Trong không khí mát mẻ của một buổi sáng thứ 7 (07.12.2019) đẹp trời, chương trình SCIENCE GATE - mở màn cho chuỗi hoạt động học thuật BIO-SCIENCE IN HARMONY do khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, trường ĐH. Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM tổ chức đã được diễn ra và thu hút sự tham gia của hơn 400 lượt tham dự của các bạn sinh viên. Phần triển lãm hơn 40 poster các hướng nghiên cứu đến từ 11 đơn vị đã diễn ra trong không khí trao đổi học thuật vô cùng hào hứng và sôi nổi, và BTC hi vọng các bạn sinh viên đã biết thêm nhiều hướng nghiên cứu thú vị và phần nào định hướng được lựa chọn cho bản thân mình trên con đường học tập và nghiên cứu sắp tới. Song song với hoạt động triển lãm là 3 buổi tọa đàm, tập huấn cũng thu hút sinh viên không kém đâu. Nếu bạn không có cơ hội tham gia chương trình lần này thì cũng đừng buồn quá nha, bạn có thể theo dõi bài viết dưới đây để “chiêm nghiệm” những thông tin bổ ích được đúc kết từ 3 buổi chia sẻ.
Với sự thành công của chương trình đầu tiên, BTC tụi mình lại có thêm động lực để tổ chức chương trình tiếp theo mang tên SCIENCE REVIEW sẽ được diễn ra từ 12.02.2020. Hãy cùng theo dõi và đón chờ nhé!
#bioscienceinharmony #BSIH2019
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nghiên cứu không chỉ dành cho nhà khoa học
Trước giờ sinh viên tụi mình thường nghĩ, việc nghiên cứu thường chỉ dành cho các nhà khoa học mà quên mất một sự thật là kỹ năng nghiên cứu được vận dụng trong rất nhiều ngành nghề. Là một trường định hướng nghiên cứu nên quá trình học tập tại trường ĐH. KHTN cũng như khoa SH - CNSH đã trang bị cho các bạn sinh viên các kỹ năng tư duy logic, cũng như trình bày, thuyết phục - điều mà các nhà tuyển dụng yêu cầu rất cao ở các ứng viên.
Đối với các bạn sinh viên vừa ra trường, kinh nghiệm làm việc trước đó chưa có thì làm thế nào để thuyết phục được các nhà tuyển dụng khó tính đây? Có thể nói rằng, kinh nghiệm từ việc làm khóa luận tốt nghiệp hoặc thực tập tốt nghiệp sẽ là một điểm cộng “to to” cho các bạn đó. Trong thời gian tự thực hiện một đề tài nghiên cứu, các bạn đã được rèn luyện khả năng tự tổ chức, sắp xếp công việc, biết cách xây dựng kế hoạch và đánh giá hiệu quả, cũng như trình bày kết quả và thuyết phục người nghe. Vậy nên, dù không phải là một nhà khoa học, nhưng việc nghiên cứu khoa học đã trang bị cho chúng ta rất nhiều kỹ năng cần thiết mà có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau đó các bạn.
Vận dụng tư duy ngôn ngữ trong học tập & nghiên cứu khoa học
Khi đến lớp sẽ có kha khá vấn đề bạn hay gặp phải trong việc tiếp thu kiến thức, chẳng hạn như không thể hiểu được cách truyền đạt của giảng viên (là vì sinh viên và thầy cô không có “cùng tần số” hoặc “hệ ngôn ngữ”), không thể nắm bắt được thông tin, không thể vận dụng lý thuyết để giải bài tập… Và chiếc “chìa khóa” để giúp bạn có thể phá giải những khó khăn này là gì?
Trước tiên, bạn nên đến lớp với tâm thế chuẩn bị sẵn sàng để tiếp thu kiến thức. Thế nào là chuẩn bị tâm thế nhỉ? Đó là bạn sẽ nhận thức được mà người nói sắp truyền đạt đến mình là gì để không bị bỡ ngỡ nè, cũng như nên đọc trước tài liệu để có sẵn “thông tin nền”, nhằm giúp bản thân mình có thể tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn mà không bị “khủng hoảng” bởi các từ khóa xa lạ. Điều này sẽ đúng trong cả trường hợp bạn tiếp xúc với những khối kiến thức hoàn toàn mới lạ, hoặc với chủ đề bạn quan tâm nhưng lại chưa có đủ nền hiểu biết. Còn đối với những môn học bạn đã có sẵn kiến thức nền và nội dung buổi học sẽ nâng cao và đào sâu hơn, bạn có thể tiếp thu dễ dàng hơn bằng cách liên tưởng đến những gì mình đã biết. Không chỉ liên tưởng về thông tin, mà còn liên tưởng và ghi nhớ dưới dạng hình ảnh hoặc hệ thống hóa nữa. Nhưng trong một buổi học với có quá nhiều kiến thức và bạn vẫn chưa thể gắn kết được các nội dung này lại, hãy về nhà đọc lại bài và xâu chuỗi các thông tin bạn có được bằng cách sơ đồ hóa/mindmap.
Bên cạnh đó bạn sẽ khó nắm bắt và lưu giữ thông tin nếu không có khả năng lắng nghe và ghi chú - và đây là một kỹ năng cần phải được rèn luyện đó bạn. Mặc dù khi nghe giảng bạn có thể chưa hiểu gì nhưng đừng bỏ cuộc mà ngủ hay bỏ về luôn nha! Việc ghi chú cẩn thận và đầy đủ sẽ giúp bạn có một sự tập trung và nhận thức nhất định cho bài học, sau đó bạn có thể tự tìm hiểu thêm từ sách vở, bạn bè, internet… - những nguồn thông tin có sự diễn giải phù hợp với bạn để tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn.
Bạn có thể luỵên tập ghi theo từ khóa, tốc ký, sử dụng ký hiệu riêng, diễn đạt theo cách hiểu của bản thân… miễn là bạn có thể hiểu được thông tin khi đọc lại và đảm bảo thông tin được chính xác. Ngoài ra để tăng khả năng hiểu và diễn đạt, bạn cũng nên chú ý đến việc trau dồi vốn từ (không chỉ ngôn ngữ học thuật mà cả trong thường thức luôn), hay nói cách khác là hãy xây dựng được “bộ từ điển” của riêng mình. Khả năng trình bày thông tin mình được tiếp nhận và truyền đạt lại cho những người khác nghe bằng cách diễn đạt cá nhân mà không làm thay đổi nội dung - đó là chính là “cảnh giới” cao nhất của sự tiếp nhận và thấu hiểu kiến thức. Vậy bạn đã làm được chưa nè?
Và cuối cùng là, nếu bạn không hiểu điều giảng viên giảng giải, tại sạo chúng ta không chủ động giao tiếp với thầy cô bạn ha? Thầy cô luôn sẵn sàng giải đáp, giải thích để bạn hiểu, hoặc tiếp thu những phản hồi của sinh viên về cách thức truyền đạt. Để có thể nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập, điều đó yêu cầu sự chủ động và cải thiện không chỉ từ giảng viên mà còn đến từ sinh viên tụi mình nữa các bạn nhé!
Trong buổi chia sẻ - 3 khách mời sẽ có những phương pháp vận dụng tư duy ngôn ngữ khác nhau, và đâu đó bạn có thể cảm thấy bản thân mình phù hợp với một trong những phương pháp ấy, hoặc thậm chí là một cách thức riêng hoàn toàn khác biệt. Không sao cả, vì không có một công cụ chuẩn nào cho mọi người để tiếp thu thông tin tốt hơn, mà chỉ mỗi chúng ta mới nhận ra cách thức nào là phù hợp nhất. Hãy cứ mạnh dạn trải nghiệm và sáng tạo bạn nhé!
Đặt câu hỏi - Tưởng khó mà hóa dễ
Khi đã vận dụng được tư duy ngôn ngữ trong việc học tập và nghiên cứu rồi, làm sao để kiểm chứng được điều mình hiểu là đúng và mở rộng thêm vấn đề đây? Đó chính là lúc việc đặt câu hỏi được sử dụng, nhưng mà thực trạng cho thấy sinh viên tụi mình còn bị thụ động và ngại ngần trong việc hỏi han, vậy phải làm sao đây?
Trước tiên, bạn đã biết được tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi chưa ha? Nó có thể xuất phát từ việc bạn tò mò hoặc nghi vấn về một vấn đề nào đó, xuất phát từ nhu cầu muốn tiếp cận thông tin và hình thành thế giới quan khi chúng ta còn nhỏ. Khi lớn lên, việc đặt câu hỏi sẽ giúp chúng ta học tập chủ động hơn, có thể hiểu rõ ràng hơn vấn đề, phát triển và tối ưu hơn các giải pháp. Tuy nhiên không nhất thiết lúc nào mình cũng cần ép buộc bản thân đặt ra câu hỏi một cách tràn lan mà nên giới hạn và định hướng theo những mục tiêu nhất định; cũng như việc đặt câu hỏi cũng nên phù hợp với tình huống, hoàn cảnh. Chẳng hạn với cùng 1 seminar về Tạo thuốc chữa ung thư bằng kháng thể đơn dòng, nếu bạn sinh viên quan tâm về kiến thức chuyên sâu, học thuật thì sẽ đặt các câu hỏi nhiều hơn về cơ chế tác động của thuốc ở cấp độ phân tử, trong khi bạn sinh viên yêu thích việc vận dụng thực tế sẽ có các câu hỏi liên quan đến quy trình, kỹ thuật sản xuất… Vậy nên, việc đặt câu hỏi nên bám sát theo mục tiêu và định hướng khai thác thông tin của bản thân.
Vậy đó, bạn có thể đặt câu hỏi xuất phát từ những khía cạnh mà bạn quan tâm. Nhưng nếu không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể vận dụng “công thức” 5W-1H (Why-What-When-Who-Which-How) để hỏi cho mọi vấn đề, cứ thử xem! Đừng lo sợ dấu “dốt”, vì tụi mình là sinh viên, còn trẻ nên có sai lầm có “dở” cũng không sao hết! Bạn cũng đừng e ngại bị người khác đánh giá là “khác người”, là “thể hiện” khi mạnh dạn đặt câu hỏi, vì việc học tập là phục vụ cho bản thân mình cơ mà! (nhưng bạn cũng cần chú ý đến thái độ của mình và hoàn cảnh đặt câu hỏi cho phù hợp nữa nhé). Nếu bạn không dám hỏi trước lớp, bạn có thể gặp thầy cô sau giờ học để trao đổi riêng hoặc gửi email nè. Nếu bạn chưa tìm được cách diễn đạt câu hỏi để thầy cô hiểu, hãy rèn luyện khả năng trình bày bằng cách đọc và viết nhiều hơn để nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ.
Giờ bạn đã mạnh dạn hơn để đặt câu hỏi chưa nào? Hãy “thực hành” ngay trong tiết học sắp tới bạn nha!