Bio-Science in Harmony là chuỗi các hoạt động được Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM tổ chức nhằm định hướng và khuyến khích tinh thần nghiên cứu khoa học của sinh viên. Vào tháng 12/2019, Bio-Science in Harmony chính thức khởi động với hoạt động Science Gate, mở ra cánh cửa dẫn đến sự hòa hợp giữa con người và khoa học. Trải qua gần 5 tháng, với các hoạt động phong phú như Science Sharing, Science Review, Student Science Conference và Science Notes, các bạn sinh viên đã được thấy, được nghe và đặc biệt nhất là được trải nghiệm quá trình viết bài tổng hợp kiến thức về một chủ đề mình quan tâm thông qua hoạt động Science Review.
Science Review quy tụ 37 đội thi đến từ ĐH Khoa học Tự nhiên và nhiều trường bạn (ĐH Quốc Tế, ĐH Tôn Đức Thắng, Phổ Thông Năng Khiếu…), với những đề tài hết sức thú vị và có ý nghĩa thực tiễn như: “Aromatherapy trong điều trị trầm cảm”, “Các chiến lược thiết kế thuốc chữa trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới SARS-COV-2”, “Có thể phân biệt rau sống an toàn qua hình thái bên ngoài hay không?”... Sau nhiều tháng nỗ lực làm việc của các đội thi và cán bộ hướng dẫn, ngày 17/05 vừa qua, 23 đội đã có phần trình bày poster và thuyết trình đầy ấn tượng về đề tài của mình trong Hội nghị Khoa học Sinh viên trực tuyến.
Vào ngày 31/05 buổi Gala tổng kết chương trình Bio-Science in Harmony đã được diễn ra, để các bạn sinh viên cùng với thầy cô, ban tổ chức nhìn lại chặng đường 5 tháng với những thành quả, điểm mạnh cũng như điểm yếu cần khắc phục. Cảm xúc của các thầy cô tham gia buổi lễ tựu chung trong hai chữ “Tự hào”. Tự hào vì khoa SH-CNSH có một chương trình hết sức thiết thực cho sinh viên, với công tác tổ chức đầy chuyên nghiệp và hiệu quả trên cả quy mô offline lẫn online. Tự hào hơn cả là được làm cô, làm thầy của những sinh viên có đam mê nghiên cứu, có đức tính chịu khó tìm tòi, học hỏi để có thể viết thành những bài tổng hợp kiến thức chỉn chu về cả hình thức và nội dung, trong khi có những bạn chỉ mới là sinh viên năm thứ nhất. Các bạn sinh viên với xuất phát điểm là sự tò mò đã tìm cách tiếp cận kiến thức khoa học một cách vô cùng trong sáng và say mê, khiến cho các thế hệ đi trước như được tiếp thêm động lực trên con đường truyền lửa tri thức. Tuy nhiên, các thầy cô cũng muốn nhắn nhủ các bạn cần phải chú ý nắm bắt nhu cầu thực tiễn, gắn nghiên cứu với đời sống để tạo nên những kiến thức mới, giá trị mới, đóng góp vào công cuộc phát triển nền khoa học nước nhà. Sau cùng, các thầy cô mong rằng mô hình hoạt động này sẽ được nhân rộng trên phạm vi cả nước và mong rằng các bạn sinh viên tham gia ngày hôm nay sẽ trở thành thế hệ kế thừa, biết nuôi dưỡng ngọn lửa nghiên cứu và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Buổi Gala tiếp diễn với hoạt động thảo luận nhóm giữa giảng viên và sinh viên, xoay quanh câu hỏi: “Làm thế nào để tạo ra được môi trường trải nghiệm nghiên cứu khoa học hiệu quả dành cho sinh viên?”. Các nhóm đã đưa ra rất nhiều đề xuất để tạo ra một môi trường nghiên cứu thân thiện với sinh viên, lấy sinh viên làm trọng tâm như: Lập quỹ nghiên cứu dành cho sinh viên, mở các lớp dạy kỹ năng nghiên cứu, tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm… Thú vị hơn, có nhóm còn so sánh môi trường nghiên cứu khoa học hiệu quả như một hệ sinh thái bền vững mà trong đó đề cao tương tác giữa sinh viên và giảng viên, sinh viên và nhà trường, chứng tỏ các bạn đã nhận thức được vai trò của bản thân người sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Những ý kiến đóng góp đã giúp các thầy cô nắm được tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, và tiếp thêm động lực cho cả thầy và trò cùng cố gắng để phát huy vai trò của mình trong hệ sinh thái này.
Không khí thảo luận sôi nổi giữa các nhóm sinh viên và thầy cô, cán bộ hỗ trợ
Buổi lễ khép lại với phần trao giấy chứng nhận và phát thưởng cho các đội thi, nổi trội nhất là top 4 đề tài được hội đồng khoa học, cán bộ phản biện và cán bộ hướng dẫn đánh giá cao bao gồm:
1. Các chiến lược thiết kế thuốc chữa trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới SARS-COV-2
2. Đặc điểm tái tạo ở Axolotl và ứng dụng trong điều trị vết thương không để lại sẹo ở người
3. Loài đặc trưng và mối liên hệ giữa các hệ sinh thái ven biển Việt Nam
4. Autophagy in liver fibrosis: A foe or partner in crime?
Các nhóm nhận giải Báo cáo xuất sắc
Các bạn sinh viên đã cho thấy sự nỗ lực và kiên trì trên những bước đầu tiếp cận kho tàng tri thức khoa học sự sống, và chắc hẳn sau ngày hôm nay, các bạn cũng tích góp thêm cho mình những bài học, kinh nghiệm làm nền móng cho sự phát triển của bản thân trên con đường nghiên cứu khoa học.
Bật mí thêm với mọi người là hoạt động Science Review được triển khai gần 90% với hình thức trực tuyến. Tuy ứng dụng công nghệ đem lại rất nhiều tiện ích, đặc biệt là trong thời gian cách ly xã hội do đại dịch COVID-19, nhưng quả thật chỉ khi gặp nhau ngày hôm nay, chụp chung một tấm hình mới thấy được tình cảm mà các bạn sinh viên và các thầy cô dành cho chương trình không thể nào đong đếm. Những khoảnh khắc trong suốt chuỗi hoạt động Bio-Science in Harmony và chi tiết các bài review do các đội thi thực hiện đều được lưu giữ trong cuốn kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên, link truy cập:
https://bit.ly/BSIH_kyyeuhoinghi2020
Lời cuối cùng, ban tổ chức muốn gửi lời cảm ơn đến toàn thể các bạn sinh viên đã tham gia, ủng hộ Bio-Science in Harmony; cảm ơn các thầy cô cán bộ hướng dẫn, các thầy cô và các bạn sinh viên tham gia hội đồng khoa học; cảm ơn nhà trường đã tạo điều kiện cho chương trình diễn ra hết sức tốt đẹp.