Que Thử Phát Hiện Nhanh Độc Tố Gây Bệnh Hoại Tử Gan Tụy Cấp Trên Tôm

10:58, 05/09/2022
1664
0

Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND) là bệnh trên tôm được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009. Sau đó, bệnh lây lan nhanh chóng ra các nước lân cận và hiện đã có mặt tại hầu hết các vùng sản xuất tôm chính trên thế giới, bệnh gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành tôm toàn cầu. Khi mắc bệnh, tôm có biểu hiện hoại tử gan tụy, tỷ lệ gây chết lên đến 100 % và có thể nhanh chóng lây lan sang các khu vực nuôi lân cận. Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do chủng Vibrio parahaemolyticus mang plasmid pVA1 chứa trình tự gen độc tố toxA và toxB. Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu đã tìm ra plasmid pVA1 có thể chuyển ngang trong chi Vibrio, và đã phát hiện có trong các chủng V. harveyi, V. owensii, V. campbelli. 

 

Hiện nay, chưa có phương pháp triệt để chữa hội chứng AHPND trên tôm nên việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ giúp người nông dân có thể can thiệp kịp thời, giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Một số phương pháp phát hiện bệnh như quan sát hình thái, thử nghiệm sinh học, mô học và khuếch đại trình tự (PCR) đều cần thời gian và chuyên môn để thực hiện. Trong khi đó, phương pháp que thử miễn dịch có các ưu điểm như dễ thực hiện, nhanh chóng, phát hiện được ngay tại thực địa và có thể được thực hiện bởi chính người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay trong nước và cả trên thế giới đều chưa có loại que thử phát hiện AHPND nào được thương mại hóa.

Trong công trình đã được công bố của nhóm nghiên cứu, một que xét nghiệm miễn dịch dòng chảy bên (LFIA) đơn giản sử dụng kháng thể đa dòng được thiết lập để phát hiện nhanh và đồng thời cả protein toxA và toxB. Que thử LFIA dựa trên nguyên tắc của sandwich ELISA. Kháng thể đa dòng được liên hợp với hạt keo vàng hoạt động như yếu tố nhận biết sinh học và được phủ lên màng cộng hợp. Các kháng thể kháng ToxA, kháng ToxB từ thỏ và kháng thể kháng IgG thỏ từ dê được phun riêng biệt lên màng nitrocellulose để tạo thành hai vạch chẩn đoán và một vạch đối chứng. Kết quả sẽ là dương tính khi có sự xuất hiện của các dải màu đỏ ở vạch chẩn đoán và vạch đối chứng. Kết quả âm tính khi chỉ có một dải màu duy nhất tại vạch đối chứng. Giới hạn phát hiện của que là 125 ng, có thể được phát hiện bằng mắt thường trong vòng 15 phút. Que thử không cho phản ứng chéo với VPnon-AHPND. Hơn nữa, độ nhạy và độ đặc hiệu của que lần lượt là 94,0% và 98,0%. Que thử được phát triển là một công cụ mới để chẩn đoán AHPND sớm và ngay tại ao nuôi để phát hiện nhanh chóng AHPND mà không cần chuyên môn cao phục vụ cho công tác theo dõi và kiểm soát bệnh cho các vùng nuôi tôm hiện nay.

Thông tin công bố: Duong ND, Nguyen-Phuoc KH, Mai-Hoang TD, Do KT, Huynh TB, Nguyen NT, Tran TL, Tran-Van H. Fabrication of lateral flow immunoassay strip for rapid detection of acute hepatopancreatic necrosis disease. 3 Biotech. 2022 Oct;12(10):243. doi: 10.1007/s13205-022-03311-2. Epub 2022 Aug 24. PMID: 36033912; PMCID: PMC9402842. https://link.springer.com/article/10.1007/s13205-022-03311-2

Que_thY_phat_hiYn_nhanh_YYc_tY_gay_bYnh_hoYi_tY_gan_tYy_cYp_tren_tom