Công nghệ bề mặt tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae và ứng dụng trong phòng ngừa bệnh đốm trắng ở tôm.

14:20, 07/09/2021
4393
0

Virus đốm trắng (WSSV) là tác nhân có tỉ lệ gây chết ở tôm lên đến 100% sau 2–7 ngày. Để kiểm soát dịch đốm trắng, nhiều nghiên cứu vaccine phòng ngừa WSSV đã và đang được triển khai. Các công bố khoa học cho thấy: với yêu cầu gây đáp ứng miễn dịch liên tục; số lượng tôm lớn và kích thước nhỏ, chiến lược vaccine phối trộn với thức ăn có nhiều tiềm năng ứng dụng hơn so với vaccine dạng tiêm.

Trong nghiên cứu này nhóm Công nghệ gene và Ứng dụng (CNG-ƯD) đã sử dụng công nghệ bề mặt tế bào nấm men (Yeast cell surface display system) và cố định thành công protein vỏ VP28 của virus đốm trắng lên bề mặt tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae. Nấm men mang kháng nguyên VP28 được sử dụng phối trộn với thức ăn nhằm gây đáp ứng miễn dịch liên tục cho tôm, hỗ trợ chống lại sự xâm nhiễm của virus đốm trắng. Kết quả đánh giá bởi Viện thuỷ sản 2 cho thấy 5 ngày sau khi phơi nhiễm WSSV, tỉ lệ chết ở tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei ăn nấm men là 12,00 ±2,00%, trong khi tỉ lệ chết ở tôm đối chứng không ăn nấm men là 95,00 ± 1,73%.

Năm 2018, nấm men mang kháng nguyên VP28 của WSSV được chuyển giao và ứng dụng trong sản xuất chế phẩm sinh học với tên gọi BIDI AQUA nhằm hỗ trợ tăng sức đề kháng và phòng bệnh đốm trắng trên đối tượng tôm thẻ chân trắng. Hiệu quả của chế phẩm sinh học này đã được đánh giá trên 3 hộ nuôi tôm tại huyện Phù Cát, Phù Mỹ, và Hoài Nhơn tỉnh Bình Định với diện tích ao nuôi từ 700 - 1200 m2. Kết quả cho thấy tôm ở các ao nuôi sử dụng chế phẩm sinh học có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với ao đối chứng, từ đó rút ngắn thời gian nuôi khoảng 5 – 15 ngày. Xét trên diện tích 500 m2, sản lượng tôm khi thu hoạch ở ao dùng chế phẩm tăng khoảng 400 kg và lợi nhuận thu được cho mỗi hộ nông dân tăng khoảng 70 triệu, gần gấp đôi so với ao đối chứng.

Saccharomyces cerevisiae được đánh giá là an toàn (GRAS), hàm lượng dinh dưỡng cao, và có khả năng kích thích miễn dịch với vai trò như tá dược; do vậy công nghệ bề mặt tế bào nấm men cho thấy triển vọng ứng dụng phát triển vaccine đường uống. Là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam phát triển hệ thống vector và ứng dụng công nghệ bề mặt tế bào nấm men, nhóm nghiên cứu CNG-ƯD mong muốn góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Link bài báo: Yeast cell surface displaying VP28 antigen and its potential application for shrimp farming | SpringerLink

ppt