FBB's talk online 2 - Nếu có một ngày... em trót yêu nghiên cứu

17:30, 03/03/2020
2983
0
Với chủ đề “Em trót yêu nghiên cứu", hứa hẹn sẽ là một cơ hội lớn để sinh viên trong khoa có thể hiểu rõ bản thân mình hơn, có định hướng rõ ràng hơn trên con đường học tập, trải nghiệm và nghiên cứu khoa học.

Buổi chia sẻ bao gồm các nội dung:

1. Hành trình làm nghiên cứu của các thầy cô, anh chị đi trước

2. Các cơ hội nghề nghiệp về nghiên cứu cho sinh viên khoa Sinh học và Công nghệ Sinh học

3. Giới thiệu các chủ đề nghiên cứu mà Khoa đang hoặc sắp triển khai

4. Giới thiệu các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học của khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học (Các hoạt động Open Lab, BSIH - BioScience in Harmony,...)

Poster_sY_2-06

Thông qua chương trình, các bạn sinh viên cũng đã được hiểu rõ thêm về con đường nghiên cứu là như thế nào, khó khăn ra sao, nghiên cứu mang lại lợi ích gì. Bằng tất cả sự đam mê - các thầy cô, anh chị khách mời đã vượt qua được những rào cản, gian nan để trở thành một nhà nghiên cứu khoa học thực thụ. 

Ngoài ra, các vị khách mời đã nhắn nhủ các bạn sinh viên hãy luôn can đảm và tự tin với kiến thức và năng lực của chính mình. PGS. TS Ngô Thị Hoa bày tỏ sự khích lệ và động viên: “Cứ nghĩ ai cũng như mình thì mình sẽ tự tin.” Vì vậy, nếu các bạn sinh viên muốn trở thành một nhà khoa học thì trước hết, hãy gạt bỏ tâm lý e dè và sợ hãi, dũng cảm đón nhận cơ hội và thời cơ. Tự tin là khi bản thân nhận thức và đánh giá đúng đắn về điểm mạnh và điểm yếu của chính mình, từ đó xây dựng cho mình một hướng đi, nghề nghiệp phù hợp. Nó là một món vũ khí rất mạnh để giúp chúng ta chiến thắng mọi nghịch cảnh và thử thách.

Bằng sự trăn trở và đặt trọn niềm tin vào thế hệ sinh viên hậu bối, TS. Nguyễn Trí Nhân hy vọng: ”Kỹ năng nghiên cứu là kỹ năng mà tất cả mọi người cần phải có, đó là lý do tại sao mà Mỹ họ đặt ra giáo dục STEM cho cả quốc gia của họ.” Do vậy, dù các bạn sinh viên có chọn theo con đường nghiên cứu khoa học hay không, thì kỹ năng phản biện, kỹ năng chọn lọc và thu thập thông tin chính xác là các kỹ năng vô cùng cần thiết cần trang bị trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như vũ bão hiện nay. Vì “nếu không có năng lực nghiên cứu, chúng ta không có khả năng đánh giá được thông tin chính xác xung quanh mình" - TS. Nhân chia sẻ thêm. 

Và chính vì thời gian không bao giờ quay trở lại để có thể giúp chúng ta làm những việc mình thích nhưng bỏ lỡ, cho nên “còn trẻ mà, trải nghiệm đi" - chị Anh Thư và anh Duy Khương đều nhất trí như thế. Với kinh nghiệm của bản thân, anh Khương cho biết, từ việc đơn giản nhất như kỹ năng rửa ống nghiệm cho đến việc đọc tài liệu, tra cứu thông tin từ các tạp chí khoa học đều là những kỹ năng cần thiết của một nhà nghiên cứu khoa học. Vì vậy trong giai đoạn tham gia Phòng thí nghiệm ban đầu, đừng ngại ngần những học hỏi và rèn luyện những kỹ năng cơ bản này nhé! Chị Anh Thư cũng mách nhỏ một “mẹo" với các bạn sinh viên, khi phỏng vấn tham gia vào dự án nghiên cứu cũng như đề tài thực tập,  bạn nên giữ trạng thái bình tĩnh và tự tin, trang bị kiến thức nền, ngoại ngữ thật vững đó!

Một điều quan trọng là, các bạn đừng e ngại nếu điểm số “lỡ" thấp, hay tự ti vì mình không giỏi bằng người khác. Bởi vì điểm số chỉ là một phần để thể hiện trình độ kiến thức nền và sự cam kết nghiêm túc với việc học, cho nên các bạn cần chứng tỏ được sự yêu thích và đam mê nghiên cứu khoa học khi mong muốn ứng tuyển tham gia vào các nhóm nghiên cứu. Hãy mạnh dạn trình bày mong muốn, nguyện vọng và tìm hiểu thật kỹ về hướng đề tài mà bạn quan tâm đối với trưởng nhóm nghiên cứu nhé!

Bên cạnh đó có nhiều bạn còn băn khoăn về thu nhập từ công việc nghiên cứu. Thực ra, trong nghiên cứu gồm hai mảng lớn là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Đối với mảng nghiên cứu ứng dụng, chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra sản phẩm và xây dựng chiến lược kinh doanh, khởi nghiệp làm giàu. Còn về nghiên cứu cơ bản, thiên về lý thuyết hàn lâm, nếu kiến thức của bạn được vun bồi đủ tốt và sâu, thì các công việc như nghiên cứu viên, tư vấn viên chuyên có môn giỏi cũng sẽ giúp các bạn có được một mức lương tốt, hậu hĩnh. Do đó, hãy luôn cố gắng trau dồi kiến thức và kiên định, bền lòng với con đường nghiên cứu của mình nha.

Hy vọng sau chủ đề “Em trót yêu nghiên cứu" lần này, các bạn có thể tự chiêm nghiệm lại bản thân, thành thật với cảm xúc của chính mình, dự đoán và chuẩn bị những hành trang cần thiết để bước vào hành trình mang tên nghiên cứu khoa học.

Với những thông tin cực kỳ bổ ích và thú vị như thế, đừng lo lắng nếu không thể theo dõi trực tiếp livestream “Em trót yêu nghiên cứu", vì bạn có thể xem lại chương trình qua: 

Fanpage: https://www.facebook.com/khoashcnsh/videos/671399113627474/    

_MG_9179-3_-_Copy

-------------------------------------------------------------------

Đón xem FBB’s talk online 2020 vào thứ 4 hàng tuần trên:

https://www.facebook.com/khoashcnsh/ 

https://www.youtube.com/user/KhoaSinhhocCNSH

 

Đặt câu hỏi giao lưu tại: http://bit.ly/FBBstalklivestream2020 

hoặc tương tác trực tuyến trên kênh fanpage & youtube của Khoa.