UNIVERSITY OF SCIENCE

Campus 1: 227 Nguyen Van Cu Street, Ward 4, District 5, Ho Chi Minh City

Campus 2: Linh Trung, Thu Duc District, Ho Chi Minh City

Phương pháp PCR phát hiện đồng thời bệnh AHPND và mutant-AHPND

14:40, 12/07/2021
2404
0

Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) là bệnh trên tôm được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009. Sau đó, bệnh lây lan nhanh chóng ra các nước lân cận và hiện đã có mặt tại hầu hết các vùng sản xuất tôm chính trên thế giới, bệnh gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành tôm toàn cầu.

Khi mắc bệnh, tôm có biểu hiện hoại tử gan tụy, tỷ lệ gây chết lên đến 100 % và có thể nhanh chóng lây lan sang các khu vực nuôi lân cận. Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do chủng Vibrio parahaemolyticus mang plasmid pVA1 chứa trình tự gen độc tố toxA và toxB. Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu đã tìm ra plasmid pVA1 có thể chuyển ngang trong chi Vibrio, và đã phát hiện có trong các chủng V. harveyi, V. owensii, V. campbelli. Bên cạnh đó, nhiều dạng đột biến trên plasmid gây độc đã được phát hiện nhưng chỉ có dạng đột biến được phát hiện năm 2017 tại Việt Nam cho thấy khả năng gây bệnh (mutant-AHPND). Plasmid đột biến có gen nhảy chèn vào trình tự toxA, và toxB được giữ nguyên. Loại đột biến này không gây biểu hiện hoại tử gan tụy cấp và tỷ lệ gây chết là 50 %. Điều này có thể gây thêm khó khăn cho công tác phát hiện bệnh do không có biểu hiện lâm sàng cụ thể. Trong thời gian tới, loại đột biến này có thể lây lan nhanh chóng và gây thiệt hại lớn cho ngành tôm trong nước và trên thế giới.

Hiện nay, chưa có phương pháp triệt để điều trị hay phòng bệnh AHPND/mutant-AHPND trên tôm nên việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ giúp người nông dân có thể can thiệp kịp thời, giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Một số phương pháp phát hiện bệnh như quan sát hình thái, thử nghiệm sinh học, mô học và khuếch đại trình tự (PCR). Trong đó, phương pháp PCR được sử dụng phổ biến nhất vì các ưu điểm như dễ thực hiện, nhanh chóng, chính xác và phát hiện được ở giai đoạn sớm. Có nhiều phương pháp PCR khác nhau được phát triển như PCR đơn mồi/đa mồi, PCR một bước/hai bước, PCR định lượng. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương pháp PCR phát hiện được đồng thời bệnh AHPND và mutant-AHPND do plasmid pVA1 dạng thường và dạng đột biến gây ra.

Trong công trình đã được công bố của nhóm nghiên cứu, một phản ứng PCR đã được thiết lập với cặp mồi GMIF1-2 có thể phát hiện đồng thời các chủng gây bệnh AHPND/mutant-AHPND bằng cách khuếch đại toàn bộ gen toxA và một phần gen toxB. Các thông số của thành phần phản ứng và chu trình nhiệt được khảo sát để chọn ra giá trị tối ưu bằng cách phân tích kết quả với ImageJ và thống kê one-way ANOVA của Graphpad Prism 8.0. Phản ứng này cũng được đánh giá về giới hạn phát hiện và khả năng chẩn đoán bệnh trên các mẫu tôm nghi ngờ AHPND ở Tây Nam Bộ. Kết quả cho thấy phản ứng có giới hạn phát hiện thấp hơn phương pháp AP3 là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán AHPND. Dựa trên các kết quả này, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành thiết lập một quy trình PCR với đầy đủ các bộ thông số từ tiền tăng sinh, chuẩn bị khuôn và thực hiện phản ứng để phát triển thành bộ kit tiêu chuẩn phục vụ công tác chẩn đoán bệnh lâu dài cho các vùng nuôi tôm hiện nay.

Thông tin công bố: Mai-Hoang, Thuy-Dung, Hai-Ly Tien, Hai-Minh Chau-Hoang, Khai-Hoan Nguyen-Phuoc, Hung Quoc Pham, Thuoc Linh Tran, and Hieu Tran-Van. A Novel PCR Method for Simultaneously Detecting Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease (AHPND) and Mutant- AHPND in Shrimp. Aquaculture 534 (2021). https://doi.org/10.1016/j.aquaculture.2020.736336.

PCR

Người viết : admin
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273