“SINH VIÊN ĐẠI HỌC” là một cách gọi hàm ý nhiều “hy vọng”? Hy vọng về tương lai, về những thay đổi trong năng lực và tư duy của cá nhân mỗi người để hoàn thiện bản thân và đóng góp vào phát triển xã hội.
Đại học có phải là ngã rẽ duy nhất cho học sinh lớp 12?
Đại học có phải là nơi mà tất cả các bạn trẻ đều phải đi qua?
Có phải vào đại học năm 18 tuổi hoặc tốt nghiệp Trung học phổ thông?
Và câu trả lời là KHÔNG. Đại học không phải là lựa chọn duy nhất, đó là một trong số rất nhiều hình thức rèn luyện bản thân dành cho học sinh lớp 12. Các bạn có thể chọn đại học, học nghề, cao đẳng, hoặc làm việc tự do để xây dựng những trải nghiệm đáng giá cho chính mình. Ở bất cứ hình thức học tập nào, chúng ta cần xem xét các yếu tố như sở thích và năng lực bản thân, thông tin chính xác về những gì mình sẽ được học và các điều kiện khác như hoàn cảnh gia đình.
18 tuổi hoặc tốt nghiệp trung học là cột mốc trưởng thành quan trọng và nhiều học sinh chọn sẽ vào đại học nhưng đó không phải là điều bắt buộc.
ĐẠI HỌC MANG ĐẾN HY VỌNG VÀ THẤT VỌNG
Theo thống kê của Bộ giáo dục và đào tạo, tính đến năm 2019, Việt Nam có hơn 237 trường đại học với đa dạng các chương trình đào tạo. Hàng năm, có hơn 400,000 học sinh tốt nghiệp lớp 12 vào đại học và hiện tại cả nước có hơn 1,5 triệu sinh viên (1). Vào đại học không chỉ xác định năng lực của mỗi học sinh mà còn mang cả hy vọng thay đổi bản thân, gia đình và xã hội; những cơ hội trải nghiệm để khám phá bản thân, phát huy hết năng lực. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu thông tin đáng tin cậy và tự đánh giá năng lực bản thân một cách nghiêm túc thì đại học rất dễ khiến ta thất vọng vì những mơ hồ về ngành học, những kỳ vọng không được đáp ứng khi những thông tin trên báo đài mà chúng ta biết đến chỉ toàn những điều tốt đẹp, hoặc cả cách chúng ta chọn HỌC ĐẠI ở bậc ĐẠI HỌC.
Photo by Bluehouse Skis on Unsplash
Mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại có hàng núi thông tin về ngành về trường, các chương trình tư vấn và các cơ hội rộng mở. Quả thực chưa bao giờ việc vào đại học lại dễ như hiện tại với các phương thức tuyển sinh đa dạng của các trường như: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPTQG, dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực, xét học bạ,… Nhưng học sinh đã hiểu đúng về ngành học mình dự định theo đuổi chưa? Mục đích của giáo dục đại học là gì? Hay mình học đại học để làm gì?
Photo by Kristjan Kotar on Unsplash
BẢN CHẤT CỦA ĐẠI HỌC VÀ CÁC NĂNG LỰC CỦA NGƯỜI HỌC
Theo các nghiên cứu và tổng hợp của tác giả Nguyễn Xuân Xanh trong tác phẩm “Đại học - Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới từ trung cổ đến hiện đại”, Đại học là môi trường để sinh viên phát triển khả năng tự học và ngày càng hoàn thiện; phát triển tư duy logic, khoa học, biết tranh luận để trở thành một người tự do và giải quyết vấn đề một cách độc lập, đào tạo ra những công dân tốt cho xã hội. Đại học chắc chắn không phải trường nghề chỉ dạy bạn cách làm chủ một nghề cụ thể hoặc trung tâm môi giới việc làm chỉ đào tạo theo đơn đặt hàng. Đại học có ý nghĩa nhiều hơn thế với các nguyên lý tiền đề như: nghiên cứu khoa học là sứ mệnh quan trọng của đại học - lấy khoa học để xây dựng giáo dục; tự do dạy và tự do học,... Tuy vậy, dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường, các cuộc cách mạng công nghiệp khiến việc tổ chức các Đại học thay đổi ít nhiều theo hướng đào tạo theo nhu cầu của xã hội hướng đến mục tiêu sinh viên đáp ứng được với các yêu cầu của công việc, gia tăng tỉ lệ có việc làm.
Trong thế giới VUCA (Volatility - biến động; Uncertainty - không chắc chắn; Complexity - phức tạp; Ambiguity - mơ hồ) hiện nay, và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài việc chú ý đến chuyên môn của ngành khi chọn ngành học, sinh viên cần chú ý đến việc mình sẽ cần rèn luyện những năng lực gì? Theo báo cáo của diễn đàn kinh tế thế giới thì bên dưới là các năng lực / kỹ năng người học cần chú ý rèn luyện để thích ứng với những thay đổi không lường trước được trong thế kỷ 21.
(Nguồn: Sách Tôi Tương lai, và thế giới - Nguyễn Phi Vân)