Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên

Cơ sở 1: 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, TP Hồ Chí Minh

Cơ sở 2: Khu phố 6, Phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh

[CNG-UD] Thông báo tuyển sinh viên khoá 2018 làm khoá luận tốt nghiệp

12:35, 11/10/2020
4843
0

Thông báo Tuyển SV 2018 làm Khoá luận tốt nghiệp

THÔNG BÁO

Tuyển sinh viên năm 2020

Nhóm nghiên cứu Công nghệ gene và ứng dụng là một nhóm nghiên cứu trực thuộc Bộ môn CNSH Phân tử và Môi trường với trưởng nhóm là PGS.TS. Đặng Thị Phương Thảo. Các thành viên chủ chốt của nhóm bao gồm TS. Nguyễn Trí Nhân, TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh và một số cán bộ trẻ khác. Được thành lập từ năm 2013, nhóm Công nghệ gene và ứng dụng đã nhanh chóng phát triển trên cơ sở thế mạnh là các kỹ thuật về gene và protein như nghiên cứu cơ chế phân tử của bệnh, phát triển các sản phẩm dựa trên công nghệ tái tổ hợp.

Nhóm Công nghệ gene và ứng dụng sẽ nhận sinh viên khóa 2018 ngành Công nghệ Sinh học hệ chính quy, Công nghệ Sinh học chất lượng cao và sinh viên ngành Sinh học tham gia các chủ đề nghiên cứu như sau:

  1. Nghiên cứu chức năng gene uch-l1 trong cơ chế hình thành và tiến triển bệnh tự kỉ bằng mô hình ruồi giấm Drosophila melanogaster.
  2. Nghiên cứu vai trò của gene uch-l1 đến sự phát triển hệ thần kinh trên mô hình ruồi giấm Drosophila melanogaster.
  3. Sàng lọc hợp chất tự nhiên có hoạt tính kháng ung thư.
  4. Tạo dòng các chủng nấm men biểu hiện trên bề mặt các kháng nguyên của vi khuẩn gây bệnh.
  5. Tối ưu điều kiện lên men và đánh giá sự tăng trưởng cũng như biểu hiện protein mục tiêu của các chủng nấm men.
  6. Thu nhận nấm men đã biểu hiện protein mục tiêu trên bề mặt và phối trộn tạo thức ăn cho tôm, cá.

Mô tả chi tiết hướng nghiên cứu được trình bày ở cuối thông báo.

Quyền lợi khi tham gia nhóm nghiên cứu:

  • Được hỗ trợ 100% chi phí hóa chất, dụng cụ, thiết bị khi thực hiện đề tài.
  • Được hướng dẫn và có môi trường rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu khoa học (như khả năng đọc, phân tích, tổng hợp tài liệu; kỹ năng thiết kế thí nghiệm, phân tích, thống kê và nhận định kết quả thí nghiệm; kỹ năng trình bày báo cáo khoa học)
  • Được thực hành các thao tác trong phòng thí nghiệm.
  • Được làm việc trong môi trường trẻ trung, tự do học thuật, nhiệt tình và cởi mở.

Sinh viên phải cam kết khi tham gia nhóm nghiên cứu:

  • Yêu quý phòng thí nghiệm: tuân thủ nội quy, ý thức tiết kiệm và giữ gìn tài sản chung, tham gia công việc trực nhật, làm thí nghiệm cẩn thận, gọn gàng.
  • Trung thực và có trách nhiệm trong mọi việc.
  • Chủ động, tích cực trong công việc và các hoạt động vui chơi ngoài lề.
  • Yêu thương và tôn trọng cán bộ hướng dẫn, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
  • Vui vẻ, hòa đồng với các thầy cô, anh chị, bạn bè.

Sinh viên muốn tham gia các chủ đề nghiên cứu trên vui lòng điền thông tin vào link bên dưới trước 24h ngày 18/10/2020 (Lưu ý: chỉ nhận đăng ký qua link và chỉ chấp nhận những đăng ký trong thời gian quy định)

Link đăng ký: http://bit.ly/tuyensvCNGUD

Thông tin về các vòng tuyển sinh và kết quả sẽ được thông báo qua email.

Mọi thắc mắc về việc tuyển sinh viên của nhóm xin liên hệ cô Hương Xuân, email lmhxuan@hcmus.edu.vn.

Nhóm Công nghệ gene và ứng dụng


GIỚI THIỆU TÓM TẮT VỀ CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu Y sinh trên mô hình ruồi giấm

UCH-L1 là protein thuộc hệ thống Ubiquitin proteasome với chức năng chính là tháo, gắn nhãn ubiquitin cho các protein mục tiêu, từ đó ảnh hưởng đến sự phân giải các protein này.  UCH-L1 được biểu hiện với hàm lượng lớn ở não, tuy nhiên chức năng vẫn chưa được hiểu rõ. Mặc dù vậy, những nghiên cứu ban đầu cho thấy UCH-L1 liên quan đến bệnh thần kinh Parkinson, Alzheimer, tự kỉ,... Do đó, trong thời gian tới, nhóm tập trung tìm hiểu mối liên hệ giữa uch-l1 và sự phát triển cũng như các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trên mô hình ruồi giấm Drosophila melanogaster. Đây là một mô hình được sử dụng từ lâu trong nghiên cứu chức năng gene, các quá trình phát triển, biệt hóa của cơ thể cũng như cơ chế hình thành bệnh di truyền.

Sinh viên tham gia hướng nghiên cứu sẽ được học các kỹ thuật vi thao tác nhằm phân tách và đánh giá cấu trúc mô ở ruồi, thực hiện các kỹ thuật hiện đại như realtime PCR, nhuộm miễn dịch huỳnh quang.

Sàng lọc cây thuốc có hoạt tính kháng ung thư

Cây thuốc là một trong những đối tượng tiềm năng cho việc tìm kiếm hợp chất điều trị ung thư bởi nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú, từng được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và ít gây tác dụng phụ đối với cơ thể. Vì thế, nhóm nghiên cứu tập trung sàng lọc cao chiết từ cây thuốc với mục đích tìm ra loại cao chiết có khả năng gây độc mạnh và chọn lọc trên tế bào ung thư, đồng thời đi sâu tìm hiểu cơ chế tác động ở cấp độ tế bào và phân tử (Vd: cơ chế làm dừng chu trình tế bào, gây ức chế tăng sinh; kích hoạt quá trình apoptosis; kháng di cư, xâm lấn,…). Các cao chiết tiềm năng sẽ tiếp tục được phân tách hợp chất nhằm tìm kiếm các hợp chất mới có hoạt tính trị liệu.

Sinh viên tham gia hướng nghiên cứu sẽ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi cấy tế bào động vật, thực hiện các thử nghiệm trên mô hình tế bào động vật và các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại như nhuộm miễn dịch huỳnh quang, qRT-PCR.

 

Nghiên cứu công nghệ bề mặt tế bào nấm men và ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản

Công nghệ bề mặt tế bào cho phép biểu hiện protein và peptide lên bề mặt của tế bào thông qua việc dung hợp protein mục tiêu với các protein neo (anchor protein) ở đầu N, đầu C hay cả hai. Hiện nay, nấm men Saccharomyces cerevisiae là một trong những chủng chủ phổ biến của công nghệ này với rất nhiều kỹ thuật phân tử đã và đang được phát triển cho phép biểu hiện hiệu quả protein mục tiêu trên bề mặt. Bên cạnh đó, Saccharomyces cerevisiae chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và đã được FDA, Mỹ chứng nhận an toàn (Generally Recognized as Safe – GRAS) nên thích hợp cho những nghiên cứu ứng dụng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Với những ưu điểm kể trên của công nghệ bề mặt tế bào nấm men cùng với thực tế rằng ngành nuôi trồng thuỷ sản là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu hiện đang phát triển các chế phẩm thức ăn thuỷ sản sử dụng nấm men mang trên bề mặt các protein là kháng nguyên của vi sinh vật gây bệnh tôm cá. Nấm men này sẽ được bổ sung vào thức ăn thủy sản giúp tăng cường miễn dịch của tôm cá, từ đó bảo vệ tôm cá khỏi một số bệnh phổ biến. 

Sinh viên tham gia hướng nghiên cứu sẽ được học các kỹ thuật tạo dòng, nuôi cấy, lên men, thu nhận vi sinh vật và phân tích protein.

Người viết : cnshphantu&moitruong
TAG: kltn / TuyenSV
Ý kiến bạn đọc
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273