Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên

Cơ sở 1: 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, TP Hồ Chí Minh

Cơ sở 2: Khu phố 6, Phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh

Nhóm Công nghệ gene và Ứng dụng tuyển sinh viên khóa 2020 (năm 2023)

12:41, 10/01/2023
5498
0

Nhóm Công nghệ gen và Ứng dụng, với sự dẫn dắt của PGS.TS. Đặng Thị Phương Thảo; TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh; TS. Nguyễn Hiếu Nghĩa đang tuyển 15 sinh viên khóa 2020 ngành Sinh học và Công nghệ Sinh học (tất cả các hệ đào tạo) với 5 chủ đề nghiên cứu.

Các bạn đăng kí tham gia tại: https://forms.gle/XW7i8Di7dan3Vnbt9 từ nay tới hết ngày 31/01/2023.

TuyYn-ng2-01

 

Chủ đề 1: Sàng lọc hoạt tính kháng ung thư của cao chiết/hợp chất tự nhiên

Thực vật là một trong những đối tượng tiềm năng cho việc tìm kiếm hợp chất điều trị ung thư bởi nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú, từng được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và ít gây tác dụng phụ đối với cơ thể. Vì thế, nhóm nghiên cứu tập trung sàng lọc cao chiết từ thực vật với mục đích tìm ra loại cao chiết có khả năng gây độc mạnh và chọn lọc trên tế bào ung thư, đồng thời đi sâu tìm hiểu cơ chế tác động ở cấp độ tế bào và phân tử (VD: cơ chế làm dừng chu trình tế bào, gây ức chế tăng sinh; kích hoạt quá trình apoptosis; kháng di cư, xâm lấn,…). Các cao chiết tiềm năng sẽ tiếp tục được phân tách hợp chất nhằm tìm kiếm các hợp chất mới có hoạt tính trị liệu.

Tuyển SV: 3 sinh viên K20, KLTN 

Chủ đề 2: Nghiên cứu tác động của một số yếu tố di truyền và môi trường lên sự hình thành và phát triển bệnh thoái hóa thần kinh

Hệ thần kinh là hệ thống quan trọng, điều khiển hầu hết các phản ứng của cơ thể. Các bệnh liên quan đến thần kinh có thể không trực tiếp gây tử vong, nhưng đều làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh, cũng như gây ra áp lực lên gia đình và xã hội. Ruồi giấm là mô hình động vật được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong nghiên cứu và công bố khoa học về bệnh thần kinh trên các tạp chí uy tín như: Nature, Science, Development, ….. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu hướng đến việc thực hiện các đánh giá tác động của các yếu tố di truyền và môi trường lên quá trình hình thành và phát triển các bệnh lý thần kinh trên mô hình ruồi giấm. Từ đó, hiểu rõ hơn cơ chế phát sinh bệnh cũng như tìm kiếm cơ hội xây dựng các liệu pháp điều trị phù hợp.

Tuyển SV:

-        Nghiên cứu cơ chế và tương tác của gene dUCH trong quá trình hình thành bệnh thần kinh trên mô hình ruồi giấm (02 sinh viên K20, KLTN, không tuyển SV chương trình BS-MS)

-        Đánh giá tác động của ô nhiễm kim loại nặng lên diễn tiến một số bệnh thần kinh trên mô hình ruồi giấm chuyển gene (02 sinh viên K20, KLTN, không tuyển SV chương trình BS-MS)

Chủ đề 3: Sản xuất kháng thể hướng tới ứng dụng nghiên cứu chức năng gene trên mô hình ruồi giấm

Mô hình ruồi giấm là một mô hình truyền thống, phổ biến và có hiệu quả cao trong việc nghiên cứu di truyền cũng như các quá trình hình thành và tiến triển bệnh. Trong quá trình thực hiện các nghiên cứu này, việc đánh giá biểu hiện của các protein mục tiêu thông qua các kỹ thuật như nhuộm miễn dịch huỳnh quang, ELISA và Western Blot là cần thiết. Điều này đòi hỏi cần có các kháng thể kháng các protein mục tiêu trên ruồi. Tuy nhiên rất nhiều kháng thể chưa có các sản phẩm thương mại, vì vậy, việc sản xuất các kháng thể đó là cần thiết. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu tiến tới việc sản xuất các kháng thể kháng các protein trên mô hình ruồi, hướng tới các ứng dụng trong nghiên cứu.

Tuyển SV: Sản xuất kháng thể đa dòng kháng một số protein trên ruồi (02 sinh viên K20, KLTN)

Chủ đề 4: Biểu hiện, thu nhận và tinh sạch protein tái tổ hợp dạng tan trên E. coli và nấm men P. pastoris

Hướng nghiên cứu này nhằm sản xuất protein tái tổ hợp dạng tan - có hoạt tính sinh học - với năng suất cao ở E. coli P. pastoris để hướng tới phát triển sản phẩm ứng dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, mỹ phẩm và y dược, trên quy mô lớn. Trong nghiên cứu này, chúng tôi áp dụng công nghệ gen để cấu trúc chủng vi sinh vật tái tổ hợp, sau đó ứng dụng công nghệ nuôi cấy để thu nhận protein mục tiêu và tiến hành xây dựng, tối ưu quy trình tinh sạch protein trước khi ứng dụng vào sản phẩm đích.

Tuyển SV: 3 sinh viên K20 (1 KLTN và 2 TTTN)

Chủ đề 5: Biểu hiện protein tái tổ hợp trên bề mặt tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae

Hiện nay, nấm men Saccharomyces cerevisiae là một trong những chủng chủ tái tổ hợp phổ biến với rất nhiều kỹ thuật phân tử đã và đang được phát triển cho phép biểu hiện hiệu quả protein mục tiêu trên bề mặt và dạng tiết ngoại bào. Bên cạnh đó, Saccharomyces cerevisiae chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và đã được FDA, Mỹ chứng nhận an toàn (Generally Recognized as Safe – GRAS). Với những ưu điểm kể trên, nhóm nghiên cứu hiện đang phát triển các sản phẩm protein tái tổ hợp và dòng tế bào nấm men biểu hiện protein tái tổ hợp trên bề mặt tế bào, hướng tới ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và y sinh.

Tuyển SV: 3 sinh viên K20, KLTN

—---------------------------------------------

Đăng kí vào nhóm nghiên cứu các bạn sẽ nhận được gì? 

- Được hướng dẫn, rèn luyện tốt các kĩ năng nghiên cứu khoa học, bao gồm khả năng đọc, phân tích, tổng hợp tài liệu; kĩ năng thiết kế thí nghiệm, phân tích, thống kê và nhận định kết quả thí nghiệm, …

- Được học các kĩ thuật tương ứng với từng hướng nghiên cứu 

- Được làm việc với đội ngũ hướng dẫn thân thiện, nhiệt tình, và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển và hoàn thiện bản thân.

 

Nhóm sẽ ưu tiên nhận những sinh viên như thế nào?

- Trung thực, có trách nhiệm

- Siêng năng, không ngừng cố gắng

- Yêu thương phòng thí nghiệm, cán bộ hướng dẫn

 

Các bạn đăng kí tham gia tại: https://forms.gle/XW7i8Di7dan3Vnbt9 từ nay tới hết ngày 31/01/2023.

Các hồ sơ ứng tuyển được chọn sẽ tiếp tục tham gia phỏng vấn trực tiếp với thành viên của nhóm nghiên cứu (thời gian sẽ thông báo qua email). Đại diện thành viên nhóm nghiên cứu sẽ liên lạc với các bạn qua email mà các bạn đã đăng ký để thông báo buổi phỏng vấn. Nếu có các thắc mắc về việc ứng tuyển, các bạn vui lòng liên hệ cô Lê Khả Hân (lkhan@hcmus.edu.vn). Các bạn lưu ý: các thắc mắc sẽ không được phản hồi trong thời gian nghỉ lễ (Từ ngày 20/1 tới hết ngày 29/1).

Chúc các bạn năm mới thật nhiều sức khỏe và niềm vui!

Người viết : cnshphantu&moitruong
Ý kiến bạn đọc
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273