I. CHUYÊN NGÀNH VÀ BỘ MÔN - KHÁC NHAU THẾ NÀO NHỈ?
Chắc hẳn vẫn còn nhiều bạn sẽ bị nhầm lẫn giữa “chuyên ngành” và “bộ môn”. Chuyên ngành có thể hiểu là “phân ngành” mà các bạn sẽ chọn học chuyên sâu, còn “Bộ môn” là đơn vị hành chính quản lý chuyên ngành. Sau khi kết thúc giai đoạn học đại cương và cơ sở, các bạn sẽ chọn chuyên ngành vào năm học thứ 3 để học tập những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu ở lĩnh vực mà bạn yêu thích; cũng như bắt đầu lựa chọn phòng thí nghiệm với hướng nghiên cứu mà bạn mong muốn tìm hiểu. Ở giai đoạn chuyên ngành, các bạn sẽ được học các môn bắt buộc, tự chọn tự do và tự chọn định hướng. Các môn này do đội ngũ giảng viên đến từ các bộ môn phụ trách, cũng như việc bạn thực hiện đăng ký khóa luận hay thực tập cũng sẽ do bộ môn trực tiếp hỗ trợ.
Ngành Công nghệ Sinh học có 4 chuyên ngành, còn ngành Sinh học có 6 chuyên ngành, và nếu học ngành nào thì bạn chỉ được chọn các chuyên ngành tương ứng thôi chứ không được “đá chéo” đâu nhé. Tuy nhiên khoan hãy thất vọng nha, vì có nhiều môn học của chuyên ngành này nhưng sinh viên của chuyên ngành khác vẫn được phép đăng ký học dưới dạng tín chỉ tự chọn tự do đó. Nghe hơi phức tạp một chút nhỉ? Nhưng yên tâm, các bạn hãy theo dõi khung chương trình đào tạo trên website của Khoa để biết thêm thông tin chi tiết nhé.
II. CÓ NHIỀU PTN QUÁ ĐI, BIẾT CHỌN NƠI NÀO “NƯƠNG NÁU” BÂY GIỜ?
Sau khi vào được chuyên ngành rồi, tiếp theo tới bước lựa chọn phòng thí nghiệm (PTN) cũng nan giải lắm đây, vì có nhiều quá mà! Để biết một cách rõ ràng và tường tận nhất về PTN, bạn có thể tìm hiểu các hướng nghiên cứu của Bộ môn được đăng tải trên website khoa, hoặc theo dõi phiên bản tóm tắt trong brochure giới thiệu tại: http://www.fbb.hcmus.edu.vn/vn/gioi-thieu.html, hay mạnh dạn gõ cửa trực tiếp đến xin hỏi han thông tin!
Còn nếu “ngại” quá thì bạn hãy lân la hỏi han các anh chị đã hoặc đang làm việc tại các PTN đó, đảm bảo sẽ được tư vấn nhiệt tình luôn. Bên cạnh đó, cũng đừng quên theo dõi thông tin trên fanpage của Bộ môn hoặc website Khoa để không bỏ lỡ cơ hội tham gia các Chương trình tham quan PTN - đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để bạn trải nghiệm thực tế cảm giác làm việc trong PTN là thế nào, có các trang thiết bị ra sao, được gặp gỡ các thầy cô và các anh chị sinh viên dễ thương, tận tình nữa chứ! Hiện tại, Khoa mình đã có một số chương trình mà bạn có thể tham khảo, đó là:
- "Một tuần tại PTN- A week in lab" của Bộ môn Di truyền: http://fbb.hcmus.edu.vn/vn/di-truyen/thong-bao-chuong-trinh-mot-tuan-tai-ptn-a-week-in-lab-lan-3-2018.html
- Ngày hội LabA Open Day của Bộ môn CNSH Phân tử & Môi trường: http://fbb.hcmus.edu.vn/vn/cnsh-phan-tu-amp-moi-truong/co-hoi-giao-luu-tim-hieu-cac-huong-nghien-cuu-khoa-hoc-cung-ngay-hoi-laba-open-day.html
- Open Day của Bộ môn Sinh lý học & CNSH Động vật: https://www.facebook.com/slhcnshdv/
Hoặc bạn chỉ cần mạnh dạn liên hệ trực tiếp đến các Bộ môn hoặc PTN để được tham quan và tìm hiểu.
Sau khi lựa chọn xong, tiếp theo bạn cần “nhăm nhe” các đợt tuyển sinh viên của từng PTN để ứng tuyển. Mỗi bộ môn sẽ có một hoặc nhiều PTN với các hướng nghiên cứu chuyên sâu để bạn có thể lựa chọn xin vào làm thực tập hoặc làm khóa luận tốt nghiệp. Tuy nhiên lại không bắt buộc chỉ có sinh viên của chuyên ngành tương ứng với Bộ môn được xin vào PTN của bộ môn. Trong một số trường hợp, sinh viên chuyên ngành này có thể làm đề tài tại PTN của chuyên ngành khác với điều kiện là đề tài của bạn phù hợp với hướng đào tạo của chuyên ngành mà bạn đang học. Chẳng hạn như bạn học Chuyên ngành CNSH Y dược, nhưng bạn vẫn có thể làm đề tài khóa luận tại PTN Sinh học phân tử của Bộ môn Di truyền. Ngoài ra, việc thực tập hoặc làm khóa luận cũng không chỉ giới hạn trong trường chúng ta mà bạn vẫn có thể chủ động tìm kiếm các đơn vị khác bên ngoài và có liên quan đến chuyên ngành bạn theo học. Để được vào làm đề tài tại PTN, các bạn cần có được sự đồng ý của trưởng nhóm nghiên cứu và trưởng phòng thí nghiệm hay trưởng bộ môn.
Khoa cũng thường xuyên nhận được thông tin tuyển sinh viên thực tập từ các đơn vị ngoài trường. Bạn nên chủ động cập nhật thông tin từ website, hoặc chủ động liên hệ với các đơn vị này. Chẳng hạn như:
- Trung tâm công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh
- Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU)
...
III. TRONG SUỐT 4 NĂM MÌNH SẼ HỌC GÌ?
Nhưng trước khi đến với giai đoạn chọn chuyên ngành, bạn còn phải trải qua nhiều môn học “gian nan” khác, cứ theo dõi ảnh Lộ trình 4 năm học của ngành là biết! Tuy nhiên bạn cũng sẽ thấy đó đều là những môn học bổ ích và thú vị, cung cấp cho bạn những kiến thức nền tảng vững chắc trước khi bước vào chuyên ngành. Nên đừng nản chí khi bạn còn đang phải “kẹt” lại ở môn học khó nuốt nào đó bạn nhé!
Xem lộ trình học tập tại đây: http://fbb.hcmus.edu.vn/vn/lo-trinh-hoc-tap-4-nam-nganh-sinh-hoc.html
Như vậy bên cạnh các buổi giới thiệu chuyên ngành hàng năm, chương trình tham quan PTN của một số Bộ môn, chuỗi chương trình FBB’s talk online với chủ để “Mười ngón tay Sinh” chính là một cơ hội tuyệt vời để bạn có thể có cái nhìn toàn diện và hiểu hơn về chuyên ngành mình sẽ và đang theo học. Chương trình sẽ cho bạn những định hướng rõ ràng hơn về môn học, chủ đề nghiên cứu, cơ hội việc làm cũng như những kiến thức, kỹ năng bạn nên rèn luyện ngay từ bây giờ thông qua những chia sẻ thực tế của các thầy cô giàu kinh nghiệm, các anh chị cựu sinh viên thành công cũng như các bạn sinh viên đang theo học tại chuyên ngành.
Nếu vẫn còn bất cứ băn khoăn nào về việc chọn chuyên ngành hay làm khóa luận, thực tập… đừng ngại ngần comment bên dưới để được giải đáp bạn nhé!