UNIVERSITY OF SCIENCE

Campus 1: 227 Nguyen Van Cu Street, Ward 4, District 5, Ho Chi Minh City

Campus 2: Linh Trung, Thu Duc District, Ho Chi Minh City

TỔNG KẾT Hội nghị khoa học sinh viên - STUDENT BIO-SCIENCE CONFERENCE 2021

20:03, 04/06/2021
2417
0
Trong bầu không khí háo hức, nồng nhiệt của tháng 5 tuổi trẻ, Hội nghị khoa học sinh viên - STUDENT BIO-SCIENCE CONFERENCE 2021 do Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học tổ chức vào ngày  22-25/5/2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội nghị đã thu hút hơn 500 lượt tham dự của Quý thầy cô, các bạn sinh viên đến từ các trường Đại học, THPT. Ngoài ra, hội nghị đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, cũng như những thông tin học thuật - khoa học hữu ích với 1 phiên tọa đàm “Nghiên cứu Khoa học - Hành trình và đích đến”; 1 báo cáo keynote “Vai trò của sinh viên khoa học trong vấn đề biến đổi khí hậu”, 4 báo cáo oral và 35 báo cáo poster. . Student Bio-Science Conference 2021 đã kết nối các bạn sinh viên của nhiều trường đại học và trung học phổ thông trên toàn thành phố cùng trao đổi các chủ đề học thuật một cách ý nghĩa, lý thú và sinh động. Đồng thời, qua chương trình hội nghị lần này, các bạn sinh viên có thể tiếp cận gần hơn đến với khái niệm “báo cáo khoa học”, cũng như có cơ hội tìm hiểu thêm những đề tài khoa học mà mình yêu thích. Bên cạnh đó, các bạn còn được chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc “làm khoa học” và những “bí quyết” để vượt qua thử thách dễ dàng hơn từ các vị khách mời giàu kinh nghiệm. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để “chiêm nghiệm” những điều được đúc kết từ hội nghị nhé.

Toạ đàm “Nghiên cứu Khoa học - Hành trình và đích đến” được chia sẻ bởi PGS.TS Hồ Huỳnh Thuỳ Dương và ThS. Bill Phạm.

Trong buổi tọa đàm này, các bạn sinh viên sẽ được tìm hiểu và đến gần hơn với các khái niệm “nghiên cứu khoa học”, những mục tiêu, cũng như những khó khăn khi bạn quyết định theo con đường nghiên cứu với sự góp mặt của 2 vị khách mời và những chia sẻ, các ý kiến đa chiều từ họ.

Theo cô Dương, nghiên cứu khoa học là một tập hợp các quá trình hướng tới việc giải quyết các vấn đề chưa từng được biết trước đây thông qua các công việc có hệ thống, mang tính khách quan, và nghiêm khắc với bản thân. 

Để tìm hiểu rõ hơn về nghiên cứu khoa học - chặng hành trình đến đích, một loạt câu hỏi được đặt ra cho các vị khách mời và đã đón nhận những câu trả lời cụ thể, chi tiết nhưng không kém phần chân thành và chan chứa yêu thương dành cho các thế hệ tiếp nối, như:

“Vậy mục tiêu của nghiên cứu khoa học là gì?”

“Những khó khăn khi quyết định “bước chân” theo con đường nghiên cứu khoa học” 

“Việc hiểu rõ nghiên cứu khoa học sẽ giúp ích gì cho các bạn sinh viên?”

“Làm sao để đưa “nghiên cứu khoa học” đến gần và rộng rãi các sinh viên hơn?”

Ngoài ra, nhiều câu hỏi khác từ các bạn tham gia cũng đã được đặt ra trong buổi tọa đàm này:

“Những người trẻ, chưa có kinh nghiệm thì có thể phát triển bản thân như thế nào, làm sao để bắt đầu?”

“Những người trẻ có ý tưởng thí nghiệm có thể tìm sự hỗ trợ từ đâu?”

Hay “Chúng ta cần chuẩn bị hành trang gì để có thể tiến tới mục tiêu nghề nghiệp yêu thích?”,.... 

Qua những câu hỏi đó, thầy cô cũng chỉ ra những hành trang cần thiết, và đưa ra lời khuyên dành cho những bạn quyết định dấn thân vào con đường nghiên cứu. Nếu các bạn tò mò và muốn biết câu trả lời cho những vấn đề đó, hay bạn là người đam mê nghiên cứu khoa học, các bạn có thể xem video chi tiết tại link sau: https://www.youtube.com/watch?v=byXe75paqfs&t=1991s

      Báo cáo keynote – “Vai trò của sinh viên khoa học trong vấn đề biến đổi khí hậu” được chia sẻ bởi TS. Phạm Quỳnh Hương

Cô Quỳnh Hương đã chia sẻ rằng hầu như các biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày tăng trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Trên thực tế, tuy mọi hoạt động của chúng ta đều thải ra khí nhà kính, nguyên nhân cốt yếu của biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta có quyền được lựa chọn làm những gì để giảm phát thải khí này.

Đứng trước những sự lựa chọn hành động bảo vệ khí hậu, cô vui mừng khi thấy rằng hiện nay mọi người đã làm rất tốt các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, trái đất; các phong trào sống xanh, đặc biệt là những điều này được thực hiện bởi những người trẻ. Tuy nhiên, để thực hiện những phong trào bảo môi trường lúc nào cũng có những khó khăn. Cô cho rằng phong trào Giờ Trái Đất đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc tiết kiệm điện năng, từ đó giảm thải CO2 và kinh phí dành cho tiêu thụ điện. Tuy nhiên, trong quá trình kêu gọi hoạt động, những tổ chức sự kiện đã vô tình phát thải khí nhà kính nhiều hơn. Tổ chức đo đạc của Pháp đã công bố chỉ với việc chia sẻ thông tin về Giờ Trái Đất đã thải ra 12.6 tấn CO2. Bên cạnh đó, trong thời gian ngừng sử dụng điện, nhiều người sử dụng nến để thắp sáng và lượng CO2 được nến tạo ra nhiều hơn lượng CO2 do điện tiêu thụ nhiều lần.

Ngoài ra, vấn đề ăn chay hay ăn thịt để giảm lượng khí nhà kính cũng được cô nhắc đến trong lần chia sẻ này. Bên cạnh đó, vấn đề giữ diện tích rừng mà bỏ quên chất lượng rừng và các hệ sinh thái lân cận cũng là một tình trạng đáng chú ý được cô nêu ra.

Những điều đó đã cho ta thấy tầm quan trọng của khoa học và những bạn sinh viên học khoa học chính là những người tiên phong để giải quyết các vấn đề môi trường này. Do vậy, theo cô Hương, các bạn sinh viên cần có nhận thức đúng đắn về các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái, đảm bảo sự cân bằng để xây dựng hệ sinh thái bền vững. Các bạn còn chịu trách nhiệm lan tỏa kiến thức đến mọi người xung quanh, đúng đắn và cân bằng hơn. Đặc biệt, các bạn có thể đề ra các sáng kiến và những đề tài khoa học, tạo ra các thiết bị khoa học góp phần bảo vệ môi trường, cô đánh giá rất cao các ý tưởng khoa học này. Và cuối cùng, các bạn sinh viên hãy bước ra, hãy đứng lên để cho mọi người thấy những cánh tay của các bạn, chính các bạn là người dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu và phát động phong trào bảo vệ môi trường này!

      Các báo cáo Oral được trình bày bởi các bạn sinh viên trẻ đến từ nhiều trường đại học, THPT khác nhau.

Báo cáo Oral 1 của các bạn sinh viên với chủ đề “Using mesenchymal stem cell in treating heart failure (HF)” nhóm các bạn Đặng Thành Nghĩa, Nguyễn Anh Minh, Phạm Nguyễn Hồng Quang đến từ khoa Y, ĐHQG-HCM. Chủ đề này giúp cho chúng ta hiểu thêm về tiềm năng sử dụng mô hình tế bào gốc trung mô trong điều trị bệnh, cụ thể trong trường hợp bệnh suy tim. Phần báo cáo này đã nhận được sự quan tâm và thảo luận của các thầy cô, từ đó làm rõ hơn nội dung đề tài.

Báo cáo Oral 2 với chủ đề “Các chiến lược kháng khuẩn hiện nay” được trình bày bởi nhóm báo cáo Nguyễn Quốc Phương, Nguyễn Lê Bảo Xuyên, Lâm Thiết Cảnh đến từ trường đại học Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG-TPHCM. Chủ đề này cung cấp cho chúng ta những kiến thức về kháng kháng sinh và các con đường cũng như cơ chế các chiến lược kháng khuẩn hiện hành và trong tương lai.

Báo cáo Oral 3 được các bạn Nguyễn Ngọc Mai Thy, Trần Kim Ngân đến từ trường APU International School trình bày với chủ đề “Why plant-based meat is better?” đã cho chúng ta biết về những lý do thịt nhân tạo từ thực vật nên được ưu tiên sử dụng, cũng như phương thức sản xuất loại thịt này. Đây cũng là một đề tài mới lạ và thú vị, thu hút được nhiều sự quan tâm và câu hỏi từ các Thầy cô và các bạn sinh viên tham dự.

Báo cáo Oral 4 với chủ đề “Xây dựng cơ sở dữ liệu về trình tự gen 12S rRNA của các loài cá Da trơn Bộ Siluriformes khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” được thực hiện bởi các báo cáo viên Trần Châu Bảo Trâm đến từ trường đại học Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG-TPHCM. Đề tài này đã gây hứng thú cho mọi người khi chỉ ra phương pháp bổ sung đoạn trình tự COI và 12S rRNA cho các loài cá da trơn Siluriformes. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra sự khác biệt trong cách gọi tên khi phân loại bằng đánh giá hình thái và phân loại bằng sinh học phân tử trên ngân hàng gen của loài cá da trơn tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

      Các phiên poster

Trong suốt 3 buổi hội nghị, các phiên poster luôn là điểm nhấn được nhiều bạn sinh viên quan tâm. Với những đề tài thú vị và đa dạng về lĩnh vực từ nông nghiệp, tế bào gốc, … đến các lĩnh vực về vi sinh, các bạn báo cáo viên đã “lôi kéo” về “phòng” của mình không ít những thính giả và thầy cô. Các phòng với những chủ đề khác nhau là những màu sắc riêng biệt cho Hội nghị sinh viên lần này, và tất cả màu sắc này đều nổi bật theo cách riêng. Bầu không khí học thuật trở nên sôi nổi hơn nhờ vào các câu hỏi và những cuộc thảo luận, từ đó giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về đề tài, các vấn đề xung quanh và “góp nhặt” cho bản thân một lượng kiến thức không hề nhỏ sau buổi hội nghị.

Các chủ đề đã được báo cáo trong các phiên poster lần này, các bạn có thể theo dõi tại Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên

 

Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273