UNIVERSITY OF SCIENCE

Campus 1: 227 Nguyen Van Cu Street, Ward 4, District 5, Ho Chi Minh City

Campus 2: Linh Trung, Thu Duc District, Ho Chi Minh City

Nghiên cứu sự thay đổi về độ mặn của môi trường trong suốt đời sống của cá bông lau Pangasius krempfi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thông qua tỷ lệ Sr : Ca trong đá tai

16:25, 03/03/2020
2040
0

Trên các dòng sông chảy qua nhiều quốc gia như sông Mê Kông, việc hiểu rõ về mô hình di chuyển của các loài cá di cư đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý nghề cá và bảo tồn. Ở các loài cá di cư, sự phát triển trong từng giai đoạn sống đều có sự liên kết chặt chẽ với từng loại môi trường khác nhau, vì vậy chúng rất dễ bị đe dọa bởi sự thay đổi chất lượng nước và sự liên kết của các sinh cảnh.

Cá bông lau (Pangasius krempfi) phân bố rộng trên lưu vực sông Mê Kông từ Trung Quốc đến Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam nhưng chủ yếu được tìm thấy ở khu vực trung và hạ lưu sông. Đây là loài cá có giá trị kinh tế quan trọng đối với các nước hạ lưu sông Mê Kông, thường được đánh bắt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng cũng được xem như một loài tiềm năng cho việc nuôi trồng thủy sản nước lợ trong bối cảnh ĐBSCL đang bị xâm nhập mặn ngày càng nhiều. Các số liệu quan trắc thủy sản trên sông Mê Kông cùng với nghiên cứu ở các cá thể thu thập ở Lào cho thấy loài cá này có thể di cư với quãng đường hơn 700 km từ thác Khone (Lào) đến vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng loài này có 2 quần thể với 2 tập tính di cư khác nhau. Do đó, cá đánh bắt được ở ĐBSCL có phải đều có nguồn gốc và nơi sinh sản của chúng có phải từ thác Khone hay không vẫn còn là một ẩn số.

Để kiểm định giả thuyết về sự di cư của cá bông lau qua các môi trường sống với độ mặn khác nhau, các nhà khoa học đã tiến hành định lượng và so sánh hàm lượng một số nguyên tố hóa học trong nước và trong đá tai – một cấu trúc bằng canxi carbonate nằm ở tai trong của cá – nhằm xác định sự thay đổi về độ mặn trong môi trường nước xuyên suốt đời sống của loài cá này. Trong năm 2017, các mẫu nước được thu thập dọc hạ lưu sông Tiền (từ Cái Bè đến Bình Đại) với nhiều độ mặn khác nhau và được phân tích định lượng các nguyên tố cơ bản. Kết quả cho thấy chỉ có Sr, Li và Rb thể hiện rõ mối tương quan thuận với độ mặn trong nước. Song song đó, đá tai lấy được từ các cá thể cá bông lau thu được vùng nước lợ - mặn cũng được phân tích tỷ lệ giữa các nguyên tố và canxi dọc từ phần lõi (thời điểm cá được sinh ra) đến phần rìa (thời điểm cá bị đánh bắt). Trong các nguyên tố được phân tích, chỉ có tỷ lệ Sr : Ca là phù hợp để ước lượng sự thay đổi độ mặn của môi trường nước. Biểu đồ Sr : Ca của các cá thể đều thể hiện cùng một mô hình, cho thấy tất cả các cá thể được sinh ra ở khu vực có độ mặn rất thấp, có thể đại diện cho cùng một khu vực sinh sản ở vùng nước ngọt. Sau đó, chúng di cư đến vùng có độ mặn cao hơn với hai kiểu tập tính di cư khác nhau: một nhóm di chuyển ở các vùng có độ mặn thấp (có thể là khu vực ngọt – lợ) và một nhóm di chuyển xung quanh các vùng có độ mặn cao (có thể là giữa nước lợ và nước mặn). Một số cá thể có thể trở về vùng nước ngọt ở giai đoạn lớn hơn (sau 3 năm tuổi).

H1

Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ về tập tính di cư của loài này như chúng sinh sản ở đâu, hai quần thể ghi nhận được có cùng nguồn gốc hay không, cá bố mẹ sẽ đi đâu sau khi kết thúc sinh sản. Công cụ dấu vân tay di truyền hay phân tích đồng vị bền Strontium trong đá tai có thể được sử dụng cho các nghiên cứu sâu hơn để trả lời các câu hỏi trên.

 Mô hình di cư này có ý nghĩa trong việc quản lý nghề cá, nhất là trong bối cảnh các loài cá di cư trên sông Mê Kông đang bị đe dọa bởi nhiều tác nhân như suy giảm môi trường sống (ô nhiễm môi trường, suy giảm và thay đổi dòng chảy, …) , khai thác quá mức và nhất là sự gia tăng số lượng đập thủy điện trên dòng sông này.

Picture1Hình ảnh ảnh thể hiện hai dạng mô hình Sr : Ca từ phần lõi đến phần rìa của Pangasius krempfi: thay đổi lớn (nhóm 1, hình a, c, e) và ít thay đổi (nhóm 2, hình b, d, f). Mô hình Sr : Ca ở hai đá tai có kích thước lớn (a, d) thể hiện tỷ lệ Sr : Ca ở cuối biểu đồ (cuối cuộc đời của cá) giảm đếm giá trị gần bằng lúc bắt đầu (lúc cá được sinh ra). Các đường dọc đứt nét thể hiện “năm tuổi” của cá.

Công trình được công bố vào năm 2019 trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ môn Sinh thái – Sinh học Tiến hóa, Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học trường ĐH KHTN - ĐHQG TP.HCM (Cô Trần Trọng Ngân và thầy Hoàng Đức Huy) và Viện Nghiên cứu vì sự Phát Triển Pháp IRD-MARBEC (TS. Jacques Panfili và TS. Maylis Labonne)

Thông tin chi tiết về công trình khoa học được công bố có thể xem tại:

https://www.publish.csiro.au/mf/Fulltext/MF18269

Người viết : admin
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273