Các bạn sinh viên, nhất là sinh viên ở các trường về khoa học, kỹ thuật, và khoa học xã hội, chắc hẳn không ai không một lần trong đời sinh viên làm báo cáo có trích dẫn tài liệu tham khảo. Khi đó ngoài việc tìm kiếm thông tin từ gã khổng lồ Google thì có bao giờ bạn tự hỏi rằng có công cụ nào giúp bạn lấy thông tin, dữ liệu bài báo công bố một các thống nhất và hiệu quả chưa? Rồi các bạn học viên, nhất là học viên theo định hướng nghiên cứu, có khi nào “được” cán bộ hướng dẫn (CBHD) yêu cầu kiếm một tạp chí “được được, có số má” thuộc chuyên ngành mình để công bố chưa? Nếu bạn có một trong hai câu hỏi trên hay cả hai thì hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm thông tin và cơ sở để lựa chọn tạp chí đáp ứng nhu cầu “được được, có số má” của CBHD ha.
Trước hết cần biết sơ sơ Web of Science (WoS) và Scopus là gì và tiêu chí của hai gã khổng lồ này là gì. Cả WoS và Scopus là hai cơ sở dữ liệu lớn nhất hiện nay về tạp chí khoa học, hội nghị, sách, sáng chế, thông tin nhà xuất bản, thông tin trường/viện, thông tin tác giả,… Để hình dung mức độ đồ sộ của hai hệ thống dữ liệu này đang nắm vững mời bạn tham khảo thông tin so sánh bên dưới (tính tới 1/2020).
Bảng 1: Thông tin so sánh giữa Web of Science (WoS) và Scopus tính tới tháng 1/20211,2
Thông tin |
WoS |
Scopus |
Năm sinh |
1964 |
2004 |
Số lượng tạp chí |
>21,400 |
>25,100 |
Tạp chí truy cập mở |
~5000 |
>5500 |
Số hội nghị |
~220,000 |
>120,000 |
Số bài trong hội nghị |
>10 triệu |
>9.8 triệu |
Sách |
>119,000 |
>210,000 |
Sáng chế |
Không lưu trữ |
>43.7 M |
Nhà xuất bản |
>3900 |
>5000 |
Thông tin trường/viện |
>5000 |
~70 triệu |
Thông tin tác giả |
Không lưu trữ |
>16 triệu |
Tổng số trích dẫn |
>1.7 tỉ |
>1.7 tỉ |
Thông tin trích dẫn |
Từ 1900 |
Từ 1970 |
Phân loại tạp chí |
Theo nhóm các bộ |
Theo Q |
Phần mềm trích dẫn |
Endnote |
Không có |
Website tra cứu |
Vậy hai cơ sở này có gì khác nhau?
Nếu như WoS chú trọng nhiều vào danh tiếng của tạp chí thông qua sự minh bạch các thông tin về nhà xuất bản, mã số ISSN, ngôn ngữ, ban biên tập, chức năng website, quy trình phản biện, chất lượng học thuật,… đến các tiêu chí về mức độ ảnh hưởng của công bố (có 28 tiêu chí được xét) thì Scopus chủ yếu tập trung vào chất lượng công bố dựa trên sáu tiêu chí như tự trích dẫn, tổng trích dẫn, điểm trích dẫn, số lượng bài báo, số lượng đọc toàn văn, và số lượng tóm tắt được sử dụng.
WoS chia các tạp chí thành bộ lưu trữ cốt lõi (core collection) và các bộ lưu trữ khác. Bộ lưu trữ cốt lõi bao gồm:
Tạp chí
Science Citation Index Expanded (SCIE): lâm sàng, khoa học tự nhiên và ứng dụng
Social Sciences Citation Index (SSCI): khoa học xã hội
Arts & Humanities Citation Index (AHCI): nghệ thuật và nhân văn
Emerging Sources Citation Index (ESCI): tất cả các lĩnh lực
Sách
Book Citation Index (BKCI): tất cả các lĩnh lực
Kỉ yếu hội nghị
Conference Proceedings Citation Index (CPCI): tất cả các lĩnh lực.
Hình 1. Các bộ lưu trữ của Web of Science2
Khác với WoS, Scopus chỉ chia tạp chí cùng lĩnh vực theo Q, từ thấp nhất là Q4 và cao nhất là Q1 tương ứng với bốn mức phần tư dựa trên % vị trí của tạp chí đó khi so trong cùng lĩnh vực, tức tạp chí có % càng cao thì càng xếp hạng cao. Ví dụ, Tạp chi Aquaculture đạt Q1 ở mức 91% cao hơn thứ hạng của Aquacultural Engineering cũng đạt Q1 nhưng chỉ có 87%. Ngoài ra, Scopus còn liệt kê danh sách 10% tạp chí đứng đầu. Nếu tạp chí có nhiều lĩnh vực thì Scopus thể hiện lĩnh vực có % cao nhất.
Hình 2. Số lượng tạp chí trong mỗi lĩnh vực của Scopus1
Tương tự như Scopus, một hệ thống mới nổi khác là SCImago (https://www.scimagojr.com/) cũng phân chia tạp chí theo Q, tuy nhiên phân định rõ ràng Q cho từng lĩnh vực của tạp chí tức nhiều tạp chí sẽ có Q trải dài thậm chí từ 1-4 nếu có nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, SCImago còn bổ sung sự thêm phân hạng tạp chí theo quốc gia và vùng lãnh thổ. Điểm đáng lưu ý nữa là SCImago có chức năng gợi ý các tạp chí tương tự trong cùng lĩnh vực sắp theo mức độ tương đồng từ cao tới thấp. Việc này giúp các bạn có nhiều lựa chọn để tìm ra một tạp chí phù hợp nhất cho mình trong một lĩnh vực cụ thể.
Do có các tiêu chí khác nhau để xét chọn nên một tạp chí có thể thuộc Q của Scopus nhưng không nằm trong bộ lưu trữ nào của WoS hay ngược lại có tạp chí có nằm trong bộ lưu trữ của WoS nhưng không thuộc Q của Scopus nhưng phần lớn các tạp chí là có cả hai. Ngoài ra, còn một số lượng rất lớn các tạp chí quốc tế khác không nằm trong cả hai hệ thống dữ liệu này và thường được gọi là non-ISI/Scopus-indexed journal hay tạp chí non-ISI/Scopus. Hiện nay, nhiều tạp chí Việt Nam cũng đang phấn đấu trở thành non-ISI/Scopus (công bố bằng tiếng Anh) hay trở thành tạp chí thuộc WoS/Scopus.
Tóm lại, tuỳ theo nhu cầu của cá nhân mà bạn có thể tìm tạp chí có Q hay trong bộ lưu trữ, có cả hai hay không có cái nào cả. Dù lựa chọn nào đi nữa thì cũng xin chúc mừng bạn vì ít nhất bạn đã đang cân nhắc công bố trên tạp chí quốc tế rồi, chỉ là có “được được, có số má” hay không mà thôi. Chúc bạn thành công!
Thông tin tham khảo:
1. Scopus: https://www.elsevier.com/__data/assets/pdf_file/0007/69451/Scopus_ContentCoverage_Guide_WEB.pdf
2. WoS:
https://clarivate.com/webofsciencegroup/wp-content/uploads/sites/2/2019/08/Journal-Evaluation.pdf