Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên

Cơ sở 1: 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, TP Hồ Chí Minh

Cơ sở 2: Khu phố 6, Phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh

Nhóm Công nghệ gen và Ứng dụng tuyển sinh viên K21 làm khoá luận, thực tập tốt nghiệp

10:36, 17/12/2023
3548
0
Nhóm Công nghệ gen và Ứng dụng tuyển sinh viên K21 làm khoá luận, thực tập tốt nghiệp

Nhóm Công nghệ gen và Ứng dụng tuyển sinh viên K21 làm khoá luận, thực tập tốt nghiệp

Nhóm Công nghệ gen và Ứng dụng, với sự dẫn dắt của PGS.TS. Đặng Thị Phương Thảo; TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh; TS. Nguyễn Hiếu Nghĩa đang tuyển 19 sinh viên khóa 2021 ngành Sinh học và Công nghệ Sinh học (tất cả các hệ đào tạo) với 5 chủ đề nghiên cứu.

  • Thời gian ứng tuyển: từ nay đến hết ngày 01/01/2024

Chủ đề 1: Đánh giá độc tính của phụ gia thực phẩm bằng mô hình ruồi giấm

Các chất phụ gia thực phẩm được sử dụng khá phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm bao gồm: chất tạo ngọt, chất tạo xốp, chất làm dày, chất điều vị, chất bảo quản, phẩm màu,… Hiện nay, thực trạng ngộ độc từ phụ gia thực phẩm gia tăng và việc sử dụng một số chất phụ gia còn gây ra nhiều tranh cãi. Mô hình ruồi giấm là một mô hình được sử dụng phổ biến và có hiệu quả cao trong các nghiên cứu sàng lọc hoạt tính và độc tính, đã công bố trên nhiều tạp chí uy tín trên thế giới. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu hướng đến việc thực hiện các đánh giá về độc tính của một số chất phụ gia thực phẩm ở mức độ cơ thể sống bằng mô hình ruồi giấm. Từ đó cung cấp những bằng chứng, cơ sở khoa học làm tiền đề cho các quyết định và quy định sử dụng các loại phụ gia thực phẩm.

Với hướng nghiên cứu này, sinh viên cộng tác với nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện nội dung: Đánh giá độc tính của một số loại phụ gia thực phẩm bằng mô hình ruồi giấm (2 SV Khóa luận tốt nghiệp)

 

Chủ đề 2: Nghiên cứu tác động của một số yếu tố di truyền và môi trường lên sự hình thành và phát triển bệnh thoái hóa thần kinh

Bệnh thần kinh là bệnh lý nguy hiểm, có ít phương pháp điều trị triệt để, thường gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh, cũng như tạo nên nhiều áp lực cho gia đình và xã hội. Cho đến nay cơ chế gây ra các bệnh thần kinh vẫn chưa được hiểu rõ, thường có sự kết hợp của cả hai yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Nhằm tìm ra giải pháp điều trị bệnh, việc tập trung nghiên cứu cơ chế bệnh, các yếu tố tác động lên sự hình thành và diễn tiến bệnh là hết sức cần thiết. Ruồi giấm là mô hình động vật được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là trong các nghiên cứu về bệnh thần kinh, đã được công bố trên nhiều tạp chí khoa học uy tín như: Nature, Science, Development, ... Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu hướng đến việc thực hiện tìm hiểu tác động của các yếu tố di truyền, môi trường và tác động đồng thời của cả hai yếu tố lên quá trình hình thành và phát triển các bệnh lý thần kinh bằng mô hình ruồi giấm. Từ đó, làm sáng tỏ hơn cơ chế phát sinh bệnh cũng như tìm kiếm các liệu pháp điều trị mới.

Với hướng nghiên cứu này, sinh viên cộng tác với nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện một trong các nội dung sau:

  • Nghiên cứu cơ chế và tương tác của gene duch trong quá trình hình thành bệnh thần kinh trên mô hình ruồi giấm (1 SV Khóa luận tốt nghiệp)
  • Đánh giá tác động của ô nhiễm kim loại nặng lên diễn tiến một số bệnh thần kinh trên mô hình ruồi giấm chuyển gene (1 SV Khóa luận tốt nghiệp)

 

Chủ đề 3: Sàng lọc hoạt tính kháng ung thư của cao chiết/hợp chất tự nhiên

Thực vật là một trong những đối tượng tiềm năng cho việc tìm kiếm hợp chất điều trị ung thư bởi nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú, từng được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và ít gây tác dụng phụ đối với cơ thể. Vì thế, nhóm nghiên cứu tập trung sàng lọc cao chiết từ thực vật với mục đích tìm ra loại cao chiết có khả năng gây độc mạnh và chọn lọc trên tế bào ung thư, đồng thời đi sâu tìm hiểu cơ chế tác động ở cấp độ tế bào và phân tử (VD: cơ chế làm dừng chu trình tế bào, gây ức chế tăng sinh tế bào; kích hoạt quá trình apoptosis trong tế bào ung thư; kháng sự di động, xâm lấn của tế bào ung thư,…). Các cao chiết tiềm năng sẽ tiếp tục được phân tách hợp chất nhằm tìm kiếm các hợp chất mới có hoạt tính trị liệu. Số lượng SV tuyển: 4 SV Khóa luận tốt nghiệp.

 

Chủ đề 4: Sản xuất protein tái tổ hợp trên hệ thống chủng chủ vi sinh vật và nghiên cứu ứng dụng

Hướng nghiên cứu này nhằm sản xuất peptide, protein tái tổ hợp có hoạt tính sinh học - với năng suất cao ở vi khuẩn E. coli và nấm men (P. pastoris và S. cerevisiae) để hướng tới phát triển sản phẩm ứng dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, mỹ phẩm và y dược, trên quy mô lớn. Trong hướng nghiên cứu này, chúng tôi áp dụng công nghệ gen để tạo ra các chủng vi sinh vật tái tổ hợp; sau đó,công nghệ nuôi cấy vi sinh vật được áp dụng để biểu hiện và thu nhận peptide và protein mục tiêu; các quy trình công nghệ liên quan thu nhận tinh sạch các peptide và protein này sẽ được phát triển để hướng đến phát triển sản phẩm từ những peptide và protein được sản xuất  

Với hướng nghiên cứu này, sinh viên cộng tác với nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện một trong các nội dung sau:

  • Nghiên cứu biểu hiện và tinh sạch protein tái tổ hợp ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm và thực phẩm(2 SV Khóa luận tốt nghiệp)
  • Nghiên cứu điều kiện lên men biểu hiện protein mục tiêu của các chủng nấm men, vi khuẩn tái tổ hợp (2 SV Khóa luận tốt nghiệp)
  • Nghiên cứu phát triển bộ kit chẩn đoán phân tử để phát hiện vi sinh vật gây bệnh (1 SV Khóa luận tốt nghiệp)
  • Tinh sạch protein tái tổ hợp ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm (1 SV Thực tập tốt nghiệp)

 

Chủ đề 5: Biểu hiện protein tái tổ hợp trên bề mặt tế bào nấm men

Biểu hiện protein tái tổ hợp trên bề mặt tế bào nấm men (công nghệ bề mặt tế bào nấm men) đang là một hướng nghiên cứu đang nhận được sự quan tâm với nhiều tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và dược-mỹ phẩm. Trong đó, chúng tôi đang ứng dụng công nghệ này để cấu trúc các chủng nấm men biểu hiện trên bề mặt các kháng nguyên từ vi khuẩn gây bệnh nhằm mục đích phát triển các vaccine đường niêm mạc trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nghiên cứu phát triển các tế bào nấm men biểu hiện các enzyme chức năng trên bề mặt tế bào để ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và sinh dược phẩm. Các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến liên quan DNA tái tổ hợp trên hệ thống tế bào nấm men như tái tổ hợp tương đồng, chỉnh sửa bộ gene CRISP/Cas9 sẽ được ứng dụng để phát triển các tế bào nấm men chức năng.

Với hướng nghiên cứu này, sinh viên cộng tác với nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện một trong các nội dung sau:

  • Tạo dòng các chủng nấm men biểu hiện trên bề mặt các kháng nguyên của vi khuẩn gây bệnh hoặc enzyme chức năng.
  • Tối ưu hoá hệ thống biểu hiện trên bề mặt nấm men 

-         Tối ưu điều kiện lên men và đánh giá sự tăng trưởng cũng như biểu hiện protein mục tiêu của các chủng nấm men này.

Số lượng SV tuyển: 4 SV Khóa luận tốt nghiệp, 1 SV Thực tập tốt nghiệp


Đăng kí vào nhóm nghiên cứu các bạn sẽ nhận được gì? 

- Được hướng dẫn, rèn luyện tốt các kĩ năng nghiên cứu khoa học, bao gồm khả năng đọc, phân tích, tổng hợp tài liệu; kĩ năng thiết kế thí nghiệm, phân tích, thống kê và nhận định kết quả thí nghiệm, …

- Được học các kĩ thuật tương ứng với từng hướng nghiên cứu 

- Được làm việc với đội ngũ hướng dẫn thân thiện, nhiệt tình, và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển và hoàn thiện bản thân.

 Nhóm sẽ ưu tiên nhận những sinh viên như thế nào?

- Trung thực, có trách nhiệm

- Siêng năng, không ngừng cố gắng

 

Các bạn đăng kí tham gia tại: https://forms.gle/SMtCLLRvNPPsB1LNA từ nay tới hết ngày 01/01/2024.

Các hồ sơ ứng tuyển được chọn sẽ tiếp tục tham gia phỏng vấn trực tiếp với thành viên của nhóm nghiên cứu (thời gian sẽ thông báo qua email, dự kiến phỏng vấn 10‒20/01/2024). Đại diện thành viên nhóm nghiên cứu sẽ liên lạc với các bạn qua email mà các bạn đã đăng ký để thông báo buổi phỏng vấn. Nếu có các thắc mắc về việc ứng tuyển, các bạn vui lòng liên hệ cô Lê Khả Hân (lkhan@hcmus.edu.vn).

 

 

Người viết : admin
Ý kiến bạn đọc
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273