UNIVERSITY OF SCIENCE

Campus 1: 227 Nguyen Van Cu Street, Ward 4, District 5, Ho Chi Minh City

Campus 2: Linh Trung, Thu Duc District, Ho Chi Minh City

Nghiên cứu khoa học dành cho ai?

10:18, 16/06/2020
2207
0

Bạn đã từng lắc đầu từ chối “mình không thích nghiên cứu...mình không nghiên cứu được đâu”? Hay ngán ngẩm khi nghĩ về công việc nghiên cứu khoa học “cao siêu” và “khó nhằn”?

Nếu câu trả lời là có, chắc hẳn bạn sẽ chẳng tin rằng mỗi chúng ta đều có tiềm năng trở thành một nhà khoa học từ khi còn nhỏ đâu ^^

 

Một nghiên cứu được thực hiện bởi TS. Sam Wass và cộng sự vào năm 2017 cho thấy mỗi đứa trẻ đặt ra trung bình 73 câu hỏi mỗi ngày [1]. Ẩn sâu bên trong mỗi người là bản năng của sự tò mò và ham muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Thực chất, sự tò mò cùng với hành động đi tìm kiếm câu trả lời đã là một biểu hiện của hoạt động “nghiên cứu”. Cụ thể hơn, nghiên cứu khoa học là quá trình đi tìm kiếm chân lý, tìm kiếm bản chất của tự nhiên, của thế giới xung quanh một cách có hệ thống, dựa trên cơ sở vững chắc và kế hoạch rõ ràng [2].

Nguồn: pinterest

Để làm rõ khái niệm về nghiên cứu khoa học ở trên chúng ta cùng phân tích ví dụ sau đây nhé: Hãy thử tưởng tượng, để trả lời cho câu hỏi khẩu trang vải có hiệu quả thực sự để giảm bớt nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 hay không chúng ta sẽ cần gì nhỉ? 

Đầu tiên, ta cần trang bị cho mình một số kiến thức nền tảng liên quan đến virus SARS-CoV-2 (ví dụ cách thức lây truyền của virus); có khả năng tìm kiếm và phân tích thông tin cần có để giải quyết vấn đề (như kích thước của virus và kích thước các cấu trúc các lỗ trên khẩu trang vải); thiết kế thí nghiệm để trả lời cho câu hỏi (chẳng hạn so sánh tải lượng virus được truyền ra ngoài khi một bệnh nhân dương tính với COVID-19 ho khi đeo hoặc không đeo khẩu trang); phân tích và xử lý kết quả thí nghiệm, liên kết kết quả nghiên cứu của mình với các nghiên cứu trước đó; chia sẻ khám phá của mình cho mọi người thông qua các công bố khoa học. Đây là một trong những nội dung nghiên cứu trên thực tế của các nhà nghiên cứu Hàn Quốc công bố vào tháng 4 năm 2020 [3].

Qua ví dụ trên, ta có thể thấy rằng tò mò một cách khoa học không hề đơn giản đúng không nào? Dù có sẵn nguồn lực là một “đứa trẻ” tò mò ẩn sâu bên trong, ta vẫn cần trải qua quá trình học tập và rèn luyện từ kiến thức đến kỹ năng để thực hành nghiên cứu khoa học một cách có “hệ thống”, “cơ sở” và “kế hoạch”. 

Nguồn: labmanager.com

Cây cối có thể phát triển trên đất tự nhiên, nhưng chúng sẽ sống xanh, sống tốt và tạo ra nhiều giá trị hơn khi được trồng trong điều kiện phù hợp và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Tương tự, các năng lực của một người làm nghiên cứu khoa học dù có thể tự rèn luyện nhưng cũng cần được nuôi dưỡng, tạo môi trường phát triển, xây dựng trên một nền tảng vững chắc, để có khả năng thích nghi với nhu cầu của xã hội và đóng góp vào sự chuyển biến tích cực mỗi ngày của thế giới. Trong đó, trường đại học giữ sứ mệnh quan trọng để đào tạo nên đội ngũ nhà khoa học tiên phong và phát triển các năng lực nghiên cứu cho người học. Cần xác định rõ, các năng lực này không chỉ đóng góp vào sự phát triển của một người làm công việc nghiên cứu khoa học mà còn cần thiết cho rất nhiều công việc khác. 

Nguồn: Unsplash (Matt Howard)

Nghiên cứu khoa học là một hành trình vạn dặm tự do để vừa đi tìm sự thật vừa phát triển năng lực của bản thân. Mỗi chúng ta đều có thể bắt đầu hành trình này bất kỳ lúc nào miễn là ta sẵn sàng trang bị một đôi giày bền chắc để nâng đỡ chân mình bước những bước đầu tiên thông qua việc học tập, trải nghiệm, đắm mình với kiến thức và chân lý. Vậy ngành học nào, trường học nào là môi trường tốt để những “đứa trẻ” mang trong mình khát vọng khám phá thế giới tự nhiên được vẫy vùng? Hãy cùng đón chờ câu trả lời trong bài viết tiếp theo nhé!

Trong thời gian chờ đợi, mời bạn xem lại:

- Bài viết Đại học - Bạn có biết

- Chương trình Science Talk - chuỗi video trò chuyện về khoa học 

Tài liệu tham khảo: 

[1] Emma Elsworthy, “Curious children ask 73 questions each day - many of which parents can't answer, says study”, Independent (2017) 

https://www.independent.co.uk/news/uk/home-news/curious-children-questions-parenting-mum-dad-google-answers-inquisitive-argos-toddlers-chad-valley-a8089821.html

[2] Erol, Almıla. “How to Conduct Scientific Research?.” Noro psikiyatri arsivi vol. 54,2 (2017): 97-98. doi:10.5152/npa.2017.0120102

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5491675/

[3] Bae, Seongman et al. “Effectiveness of Surgical and Cotton Masks in Blocking SARS-CoV-2: A Controlled Comparison in 4 Patients.” Annals of internal medicine, M20-1342. 6 Apr. 2020, doi:10.7326/M20-1342

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7153751/

 
Người viết : Mỹ Phúc - Sinh viên lớp 16SHH
Ý kiến bạn đọc
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273