UNIVERSITY OF SCIENCE

Campus 1: 227 Nguyen Van Cu Street, Ward 4, District 5, Ho Chi Minh City

Campus 2: Linh Trung, Thu Duc District, Ho Chi Minh City

Hạt từ miễn dịch loại bỏ tế bào T ứng dụng cho cấy ghép

10:57, 31/05/2021
1740
0
Cấy ghép tế bào gốc tạo máu hiện nay đang là phương pháp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân ung thư máu. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích hơn so với các phương pháp truyền thống như hoá trị và xạ trị. Khi được chỉ định điều trị bằng cấy ghép tủy xương, người bệnh sẽ được xem xét và chọn lựa giữa việc cấy ghép tự thân hay cấy ghép đồng loài. Cấy ghép đồng loài là phương pháp đang được quan tâm hiện nay do chúng khắc phục được các nhược điểm của cấy ghép tự thân, và rào cản của việc khan hiếm tuỷ ghép. Tuy nhiên, biến chứng nguy hiểm nhất của cấy ghép đồng loài được ghi nhận là biến chứng vật ghép chống chủ (Graft versus Host Disease – GvHD). Nguyên nhân do các tế bào miễn dịch trong mô ghép của người cho nhận diện và tấn công các tế bào trong cơ thể của người nhận như một tác nhân lạ gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trong, trong đó tế bào lympho T được nhiều nghiên cứu chỉ ra có vai trò then chốt trong việc hình thành biến chứng này. Để giảm thiểu và ngăn chặn sự hình thành của GvHD, loại bỏ tế bào lympho T khỏi mô ghép là điều tiên quyết.

Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật phân tách tế bào đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y sinh như phân tách tế bào bằng cách nuôi cấy, phân tách bằng ly tâm, đánh dấu huỳnh quang hay đánh dấu từ tính,… Tuỳ thuộc vào mục đích nghiên cứu, kỹ thuật phân tách phù hợp nhất sẽ được lựa chọn. Đối với mô tuỷ ghép là các tế bào gốc tạo máu, yêu cầu về độ tinh sạch, độ đặc hiệu, và hiệu suất phân tách cao thì phương pháp phân tách tế bào bằng từ tính (Magnetic Activated Cell Sorter – MACS) là phương pháp thích hợp hơn cả, đang được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng với nhiều ưu điểm nổi bật như tính tương thích sinh học, độ tinh sạch và hiệu suất phân tách cao. Kỹ thuật này dựa trên sự đánh dấu tế bào mục tiêu bằng các kháng thể gắn hạt nano có từ tính. Dịch huyền phù tế bào sau khi được đánh dấu sẽ đặt trong một môi trường có từ tính mạnh, các tế bào được đánh dấu sẽ di chuyển và tập trung tại nơi có năng lượng từ trường, từ đó có thể dễ dàng thu được tế bào mục tiêu.

Trong các công trình nghiên cứu đã được công bố, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thành công tạo hạt từ miễn dịch bằng các phương pháp sinh hoá, được đánh giá là có khả năng loại bỏ tế bào Jurkat T trong hỗn hợp hai loại tế bào với hiệu quả lên đến trên 70% cùng với độ tương thích sinh học cao, không gây độc tính cho tế bào, các tế bào gốc tạo máu sau phân tách vẫn còn giữ được khả năng biệt hoá thành nhiều dòng tế bào khác nhau. Thử nghiệm này tạo tiền đề cho việc phát triển các bộ kit phân tách tế bào ứng dụng trong cả nghiên cứu và lâm sàng.

 

Thông tin chi tiết về kết quả nghiên cứu của công trình được mô tả trong hai bài báo sau:

Huynh, K.-Q., Tran, T. V., Tran-Nguyen, T.-S., Ta, K.-H. T., & Tran-Van, H. (2019). Generation and assessment of immunomagnetic nanoparticles capable of T-cell removal. Science and Technology Development Journal - Natural Sciences, 3(2), 74-81. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjns.v3i2.802


Huynh, KQ., Duong, D.TS., Van Tran, T. et al. Cleavable, Covalently Linked, Affinity Coupling Immune Magnetic Nanoparticles for Specifically Depleting T Cells. Journal of Elec Materi 49, 6510–6518 (2020). https://doi.org/10.1007/s11664-020-08415-0
Người viết : admin
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273